(TSVN) – Việc khôi phục các ao nuôi tôm truyền thống thành ao nuôi bán thâm canh hoặc thâm canh đang được Indonesia tiến hành nhằm tăng sản lượng tôm. Các chuyên gia trong ngành thủy sản Indonesia cho rằng, đối với xuất khẩu, nên tập trung vào xây dựng thương hiệu, marketing, chứng nhận và tính bền vững.
Indonesia đang nỗ lực tăng sản lượng tôm vì mặt hàng này tiếp tục dẫn đầu cả về khối lượng và giá trị trong tổng xuất khẩu thủy sản của nước này. Năm 2021, Indonesia xuất khẩu 241.000 tấn tôm, trị giá 2,18 tỷ USD. Mỹ và Nhật Bản là 2 thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Indonesia. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng sản lượng tôm lên 2 triệu tấn vào năm 2024, phần lớn phục vụ cho xuất khẩu.
Indonesia có diện tích ao nuôi tôm lớn trên cả nước, hiện đang mở rộng lên đến 247.000 ha, tuy nhiên năng suất bình quân còn thấp, mới đạt 0,6 tấn/ha. Để tăng năng suất, Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia đang cải tạo các ao truyền thống hiện có thành ao nuôi bán thâm canh và thâm canh. Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia Sakti Wahyu Trenggono lạc quan rằng điều này sẽ nâng năng suất bình quân lên 15 – 20 tấn/ha. Bên cạnh đó, việc xây dựng các ao nuôi bán thâm canh hoặc thâm canh mới cũng đang được Chính phủ nước này khuyến khích.
Indonesia đặt mục tiêu tăng sản lượng tôm lên 2 triệu tấn vào năm 2024. Ảnh: Asian-agribiz
Theo Câu lạc bộ tôm Indonesia (SCI), việc đạt được mục tiêu về sản lượng 2 triệu tấn vào năm 2024 là có thể thực hiện được, miễn là Chính phủ có thể cung cấp các cụm nuôi tôm thuận lợi và giúp việc cấp giấy phép cho các ao mới dễ dàng hơn.
Ông Haris Muhtadi, Chủ tịch mới của SCI cho biết, ngoài những điều trên, cần có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn tôm bố mẹ tốt, thức ăn chất lượng, khả năng tiếp cận tốt với các dịch vụ phòng thí nghiệm và các ưu đãi về thuế/tài chính.
Ông Iwan Sutanto, cựu Chủ tịch của SCI cũng đồng ý với quan điểm đó và cho rằng, tất cả những điều này sẽ cho phép các thành viên đạt được năng suất trung bình là 40 tấn/ha.
Ông Muhtadi, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Indonesia cho biết, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản sẵn sàng hỗ trợ ngành tôm đạt được mục tiêu này.
Dữ liệu chính thức cho thấy, 85% sản lượng tôm của Indonesia được xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Muhtadi, cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng cạnh tranh của tôm Indonesia, điều này bao gồm việc xây dựng thương hiệu, marketing, chứng nhận và tính bền vững. Hiệu suất cũng không kém phần quan trọng vì nếu giá tôm cao hơn đối thủ thì khó có thể chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
Ông Budhi Wibowo, Chủ tịch Diễn đàn Tôm Indonesia cho biết, do áp lực từ người tiêu dùng về tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc và tính bền vững, nhiều người mua tôm hiện cũng quan tâm về số lần thay nước của ao, hệ số chuyển đổi thức ăn, tỷ lệ sống. Đồng thời, người mua cũng quan tâm tới carbon được tạo ra từ 1 kg tôm và tình trạng rừng ngập mặn xung quanh ao. Ông Wibowo nhấn mạnh: “Người tiêu dùng không muốn mua tôm có nguồn gốc từ khai thác trong môi trường tự nhiên”.
Ông Gunawan Mulyono thuộc Bộ phận Phát triển Kinh doanh của Công ty Istana Cipta Sembada đã đưa ra một giải pháp khác để thúc đẩy xuất khẩu, đó là hướng đến thị trường châu Á. Ông cho biết trong tổng xuất khẩu tôm của Indonesia, 75% được xuất khẩu Mỹ và 15% đến Nhật Bản. “Indonesia phải giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tăng cường xuất khẩu sang nhiều nước châu Á hơn. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường lớn. Hơn nữa, chi phí vận chuyển hàng hóa đến các nước này rẻ hơn và vận chuyển nhanh hơn so với xuất khẩu sang Mỹ. Giá container từ Indonesia đến Mỹ năm nay tăng lên 19.000 USD với thời gian vận chuyển là 8 tuần. Điều này khiến Indonesia khó cạnh tranh với các quốc gia khác có giá thành container rẻ hơn, bao gồm cả Ecuador và Ấn Độ”, ông giải thích.
Một cách khác để thúc đẩy xuất khẩu là gia tăng giá trị. Theo ông Mulyono, tôm tẩm bột, tôm lột vỏ phổ biến ở Mỹ và Indonesia là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm này trong năm ngoái.
“Tôm giá trị gia tăng có lợi hơn tôm nguyên liệu đông lạnh. Hơn nữa, Ecuador hiện đang thống trị thị trường tôm toàn cầu, vẫn chưa mạo hiểm vào phân khúc giá trị gia tăng. Trung Quốc cũng là một thị trường lớn cho tôm giá trị gia tăng vì tiêu thụ đang tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, ông Mulyono phân tích thêm.
Hải Băng
Theo Asian-agribiz