Kế hoạch 2013: 5 đối tượng nuôi chủ lực

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm của thủy sản được xác định là tái cơ cấu ngành, tập trung phát triển đối tượng nuôi phục vụ chế biến xuất khẩu, trong đó, 5 loài được “chỉ điểm” là cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể và cá rô phi.

Cá tra

Mặc dù hiện nay con cá tra đã qua thời “hoàng kim”, và mấy năm gần đây mang lại nhiều vị đắng cho người nuôi, nhưng với tư thế “một mình một chợ” trên thị trường thế giới, mang về hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm, cá tra vẫn là đối tượng chủ lực của nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Năm 2013, cá tra tiếp tục được xác định là một trong 5 đối tượng chủ lực của thủy sản Việt Nam, cả trong nuôi trồng và xuất khẩu. Mục tiêu của ngành cá tra năm 2013 là diện tích nuôi 56.000 ha, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, để ngành cá tra nâng cao hiệu quả, cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững. Trước tiên, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là đối với giống, thức ăn và chế phẩm sinh học; sớm tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất, chế biến xuất khẩu như giãn nợ, chuyển thời hạn vay từ ngắn hạn sang trung và dài hạn. Thêm nữa, siết chặt quản lý giá thức ăn, nhằm tránh tình trạng tăng liên tục và ở mức cao như thời gian qua.

Mặt khác, để cá tra ra thị trường thế giới thuận lợi, chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu của cả những thị trường khó tính, tránh cho cá tra gặp vướng mắc, rào cản. Đồng thời, sớm hoàn thiện nghị định về quản lý, sản xuất và xuất khẩu cá tra nhằm tạo cơ sở pháp lý trong mọi hoàn cảnh. Bởi nếu để tình hình như hiện nay thì kế hoạch cả năm khó thành hiện thực.

 

Tôm sú

Nghề nuôi tôm sú nước ta phát triển rất mạnh trong gần 20 năm nay, với nhiều hình thức nuôi, từ quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Hàng năm, đóng góp của mặt hàng này cho xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung là rất đáng kể. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, thì giá trị của tôm sú đạt khoảng gần 1,16 tỷ USD chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Và vẫn vững vai trò chủ lực trong cơ cấu mặt hàng tôm xuất khẩu.

Năm 2012, tổng diện tích thả nuôi tôm sú là 619.355 ha, sản lượng đạt 298.607 tấn. Nuôi nhiều nhất và diện tích thiệt hại cũng lớn nhất là diễn biến chính của tôm sú trong năm qua. Theo thống kê, diện tích nuôi tôm sú bị thiệt hại do dịch bệnh năm 2012 là 91.714 ha (trong tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 100.776 ha).

Kế hoạch năm 2013, diện tích thả nuôi tôm sú sẽ là 615.000 ha. Tuy nhiên, để tôm sú lấy lại đà tăng trưởng, ngành thủy sản cần giải quyết tốt vấn đề dịch bệnh, khống chế được việc tăng giá phi mã của vật tư đầu vào; đánh giá lại tình hình nhập khẩu tôm nguyên liệu trong thời gian qua, đặc biệt như vấn đề Ethoxyquin tại Nhật Bản…

Tôm sú vẫn giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu mặt hàng tôm xuất khẩu – Ảnh: Thanh  Nhã

 

Tôm thẻ chân trắng

Năm 2012, diện tích nuôi tôm chân trắng (TTCT) cả nước là 38.169 ha, sản lượng 177.817 tấn (tăng 15,5% diện tích và 3,2% sản lượng). Năm 2013, dự kiến diện tích nuôi đối tượng này là khoảng 40.000 ha.

Trong cơ cấu xuất khẩu tôm, thị phần của TTCT cũng tăng lên đáng kể, góp phần không nhỏ trong việc ổn định nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, duy trì và đẩy mạnh giá trị xuất khẩu. Năm 2010, xuất khẩu TTCT đạt 414,6 triệu USD, bằng 20% giá trị xuất khẩu tôm nói chung và bằng 8% tổng giá trị xuất khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản. 

Mặt khác, hiệu quả sử dụng đất nuôi TTCT cũng cao hơn tôm sú. Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi TTCT năm 2010 là 25.000 ha, sản lượng 135.000 tấn, giá trị xuất khẩu 414,6 triệu USD, giá trị tạo ra trên 1 ha đất là 16.584 USD; trong khi đó, diện tích nuôi tôm sú là 613.000 ha, sản lượng 330.000 tấn, giá trị xuất khẩu 1.439 triệu USD, giá trị tạo ra trên 1 ha đất chỉ có 2.347 USD. Năm 2011, diện tích thả nuôi TTCT là 33.049 ha, sản lượng đạt 176.451 tấn, bằng 129,06% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu đạt 704 triệu USD, chiếm 29,3% tỷ trọng xuất khẩu tôm và năm 2012, giá trị xuất khẩu đạt 676,6 triệu USD, chiếm 32,8% tỷ trọng xuất khẩu tôm. Năm 2012, TTCT lấn nhiều diện tích vốn trước đây chỉ nuôi tôm sú. Như tại Long An, trong 3 tháng đầu năm 2012, trên diện tích 1.450 ha thả nuôi tôm, diện tích TTCT chiếm tới trên 1.023 ha, gấp gần 2,5 lần so với tôm sú (426,6 ha). Chưa kể, xu hướng tiêu dùng TTCT hiện nay đang tăng lên tại nhiều nước, do giá rẻ hơn so với tôm sú.

TTCT có phần lấn át tôm bản địa, đây là tín hiệu mừng cho ngành tôm vì sản phẩm xuất khẩu đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, việc phát triển ồ ạt diện tích nuôi TTCT có nguy cơ để lại hệ lụy.

 

Nhuyễn thể

Là mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, nhuyễn thể luôn được coi là thế mạnh thứ 3 của ngành kinh tế mũi nhọn này, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Năm 2012, tình hình nhuyễn thể không căng thẳng vì dịch bệnh như năm 2011, tuy nhiên, khó lại đến từ thị trường. Bắt đầu từ tháng 6/2012, dấu hiệu sụt giảm của xuất khẩu nhuyễn thể lộ rõ. 8 tháng đầu năm 2012, có tới 4 tháng xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm từ 2,7 – 18,4%. Còn với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, đã có 5 tháng giảm giá trị từ 1,3 – 44% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 1/2012 giảm tới 44%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm sút.

Giá trị xuất khẩu hải sản năm qua đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng năm trước, trong đó, duy nhất giá trị xuất khẩu nhuyễn thể giảm (0,6%) so với năm ngoái. VASEP nhận định, xuất khẩu nhuyễn thể năm 2012 tăng trưởng âm là do những khó khăn về vốn, nguyên liệu và vướng mắc trong thủ tục kiểm dịch.

Hiện nay, bài toán khó cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhuyễn thể Việt Nam vẫn là nguyên liệu. Tình trạng nghêu chết tiếp tục diễn ra khiến doanh nghiệp lao đao tìm nguồn để đáp ứng các hợp đồng đã ký. Trong khi đó, nhập nguyên liệu để chế biến lại vấp phải những yêu cầu và quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch… Đây là những vấn đề mà ngành nhuyễn thể Việt Nam phải giải quyết trong năm 2013.

 

Cá rô phi

Tại Việt Nam, cá rô phi là đối tượng nuôi tiềm năng, có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở các thủy vực ngọt, lợ, mặn với nhiều hình thức nuôi như: trong ao đất, lồng bè, nuôi ghép với nhiều đối tượng khác… theo hình thức tập trung, thâm canh năng suất cao. Cá rô phi có sức tăng trưởng nhanh, nuôi thâm canh sau thời gian 5 – 6 tháng, với điều kiện chăm sóc và phòng bệnh tốt có thể đạt từ 500 – 800g/con. Thức ăn cho cá rô phi hầu hết là các loại thức ăn tự nhiên, mùn bã hữu cơ, các chất thải trong môi trường ao nuôi, do đó khi được nuôi ghép với các loài khác sẽ giúp làm giảm sự ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Nghề nuôi cá rô phi ở nước ta đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương, như Hải Dương, Quảng Ninh, đạt năng suất từ 10 – 12 tấn/ha/vụ, mức lãi ước tính khoảng 70 – 80 triệu đồng/ha/vụ.

Trong chiến lược phát triển của thủy sản Việt Nam, bên cạnh mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra thì cá rô phi cũng được coi là một thế mạnh mũi nhọn cần tập trung phát triển. Cố gắng đến năm 2015 sẽ đưa cá rô phi trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị đạt từ 200 – 300 triệu USD.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn những đối tượng tiềm năng như cá rô phi sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ngăn chặn được nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2013, diện tích nuôi đạt 1,2 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 5,7 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3,3 triệu tấn.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!