Kế hoạch an ninh sinh học trang trại nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tài liệu “Kế hoạch An ninh Sinh học Trang trại Nuôi trồng Thủy sản” được xây dựng nhằm cung cấp hướng dẫn thiết thực cho các trang trại nuôi cá có vây và giáp xác tại Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, bảo vệ đàn nuôi và đảm bảo phát triển bền vững cho ngành thủy sản.

Dịch bệnh là một thách thức không thể tránh khỏi trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, từ giai đoạn sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm. Đặc biệt, các mô hình nuôi mở như nuôi cá tra, nuôi tôm quảng canh hay nuôi cá lồng trên sông phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cao.

Một số mầm bệnh có thể tồn tại tiềm tàng trong đàn nuôi và chỉ bùng phát khi điều kiện bất lợi xuất hiện, chẳng hạn như vật nuôi bị căng thẳng, thời tiết thay đổi hay môi trường nước ô nhiễm. Trong khi đó, các mầm bệnh nguy hiểm có thể gây hại ngay cả trong điều kiện nuôi lý tưởng. Vì vậy, việc quản lý an ninh sinh học tại trang trại là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và bảo vệ đàn nuôi.

Nhằm hỗ trợ ngành nuôi cá có vây và giáp xác tại Việt Nam, tài liệu “Kế hoạch An ninh Sinh học Trang trại Nuôi trồng Thủy sản” đã được phát triển dựa trên nền tảng của Kế hoạch an ninh sinh học ban đầu do Tiểu ban Thú y Thủy sản (SCAAH) xây dựng.

Ấn phẩm này thuộc sở hữu của Khối Thịnh vượng Chung Úc và được thiết kế như một tài liệu hướng dẫn chung, có thể điều chỉnh phù hợp với từng mô hình cụ thể như nuôi tôm, nuôi cá tra, hay các hệ thống sản xuất như ao nuôi hoặc hệ thống tái tuần hoàn.

Tài liệu cung cấp các nguyên tắc cơ bản để xây dựng và áp dụng kế hoạch an ninh sinh học tại trang trại, tập trung vào:

Ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập: Áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trang trại khỏi mầm bệnh.

Kiểm soát và giảm thiểu tác động của dịch bệnh: Thực hiện các hệ thống quản lý dịch bệnh nhằm giảm nguy cơ lây lan và tác động tiêu cực.

Lợi ích kinh tế từ an ninh sinh học: Các biện pháp an ninh sinh học không chỉ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh mà còn mang lại lợi ích kinh tế dài hạn, nhờ giảm thiểu tổn thất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản, cùng với các yếu tố như sản xuất ở địa điểm mới, vận chuyển động vật thủy sản sống và biến đổi khí hậu, đã làm tăng nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên toàn cầu. Việc không kiểm soát tốt có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất thủy sản mà còn ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội. Tài liệu này đóng vai trò như một công cụ hữu ích giúp các trang trại áp dụng các biện pháp an ninh sinh học hiệu quả, từ đó bảo vệ hệ thống nuôi trồng và góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

Xem chi tiết tài liệu: TẠI ĐÂY

P.M

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!