Những ngày cuối cùng năm 2021 trời trong xanh cao vút, từ bờ biển Kiên Bình nhìn rõ mồn một hàng trụ điện lừng lững chạy dài tít tắp trên mặt biển hướng ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Thi thoảng những con tàu cao tốc vượt lên, vẽ những vệt sóng trắng xóa. Sự phối hợp của thiên nhiên và bàn tay con người đã tạo nên khung cảnh nên thơ và kỳ vĩ ở vùng biển Tây – Nam của Tổ quốc.
Đó là đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc, do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) làm chủ dự án với tổng mức đầu tư trên 2.212 tỷ đồng, nhằm tăng cường năng lực cấp điện cho thành phố đảo Phú Quốc. Công trình có tổng chiều dài đường dây gần 80 km, riêng đoạn vượt biển trên không hai mạch, dài gần 65 km đang được hoàn thiện. Ông Nguyễn Phước Đức – Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, đây là công trình trọng điểm cấp quốc gia và là đường dây 220 kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam.
Cuối tháng 11/2021, Phú Quốc mở cửa hàng không đón khách quốc tế và cả khách nội địa. Vì vậy, ngành công nghiệp không khói của đảo ngọc này đang từng bước hồi sinh. |
Chỉ tay về phía rặng núi mờ xa cũng là đích đến của đường dây, ông Đào Hòa Bình – Giám đốc BQL dự án Điện lực miền Nam, đơn vị trực tiếp quản lý dự án cho hay, vì là công trình có quy mô lớn và cấp điện áp cao nên mọi thông số và yêu cầu kỹ thuật có nhiều khác biệt so với những đường dây vượt biển trước đó. Có tổng cộng 117 trụ điện vượt biển, mỗi trụ là một khối kết cấu sắt thép và bê tông đồ sộ. Trụ thép là một kết cấu cao từ 51 đến 87m với trọng lượng từ 54 đến 114 tấn, được đặt trên đế móng là khối bê tông hình vuông có diện tích mặt sàn trung bình 400 m2. Đế móng lại được đặt trên một hệ cọc gồm 56 đến 72 cọc bê tông đường kính 60 – 80 cm cắm sâu trong lòng biển từ 20 đến 50 mét.
Theo ông Bình, khâu khó nhất và mất thời gian nhất là đóng cọc. Trước khi đóng đại trà phải đóng thăm dò để biết độ sâu của móng và việc đóng cọc sẽ không thể thực hiện trong điều kiện gió to, biển động vì vừa thiếu chính xác, vừa nguy hiểm. “Để xong một móng trụ, phải mất ít nhất một tháng làm việc liên tục”, ông Bình cho biết.
Ông Bình tiết lộ, đây là công trình điện vượt biển đầu tiên mà tất cả mọi thứ đều ở trong nước, từ thiết kế, giám sát, nhà thầu đến vật tư máy móc thiết bị và nhân lực thi công. Theo kế hoạch ban đầu, công trình được hoàn thành và đóng điện vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 cộng với thời tiết diễn biến phức tạp nên công trình cũng liên tục gián đoạn trong một thời gian khá dài. Ngay khi dịch tạm lắng, chủ đầu tư và các nhà thầu nhanh chóng bắt tay vào thi công trở lại và dốc hết sức để đẩy nhanh tiến độ xây lắp công trình.
Tính đến ngày cuối cùng năm 2021, các nhà thầu đã hoàn thành trên 96% phần móng trụ trên biển và công tác lắp dựng trụ đạt trên 70%. Đây cũng là thời điểm Công ty Xây lắp điện 2, một trong 3 nhà thầu, bắt đầu kéo dây và điểm xuất phát từ vị trí trụ 38 đến vị trí trụ 41.
Thi công kéo cáp đường dây 220 kV Kiên Bình – Phú Quốc
“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư tại công trường và tập trung toàn lực để thi công”- ông Đặng Hoàng Phương – Giám đốc Công ty Xây lắp điện 2 nói. Ông Phương cũng cho biết, công ty sẽ tổ chức làm việc xuyên Tết dương lịch để về đích đúng hẹn. Nhiều nhóm công nhân được “cắm” ở các vị trí khác nhau, trên đế móng lẫn dưới xà lan bồng bềnh trên mặt nước biển để thi công kéo cáp. Mặt người nào cũng sạm đen vì nắng, người đẫm mồ hôi nhưng luôn hối hả với công việc. “Làm việc ngoài biển trong điều kiện sóng gió rất khó khăn nhưng chúng tôi luôn bám công trường và sẽ làm khi nào xong việc mới thôi”, anh Nguyễn Văn Tài, người điều hành tổ thi công kéo dây chia sẻ.
“Hẹn gặp lại ở Phú Quốc ngày 30/4/2022”, Tổng giám đốc ông Nguyễn Phước Đức nói. Ông cho biết, đó là thời điểm ấn định đóng điện đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc.
Ông Đức cũng cho biết, Phú Quốc hiện đang sử dụng điện lưới quốc gia từ cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc. Từ ngày có điện lưới quốc gia (2014), Phú Quốc luôn trong tình trạng phát triển nóng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, do đó nhu cầu phụ tải tăng rất nhanh, với tốc độ bình quân trên 50%/năm, vượt xa dự kiến.
Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021 – 2025 tại Phú Quốc tăng bình quân 30%/năm và khiến tuyến cáp ngầm không đủ cung cấp điện cho Phú Quốc. Vì vậy, ngành điện đã gấp rút đầu tư đường dây 220 kV vượt biển nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện tại Phú Quốc.
Cắm cờ phát lệnh kéo cáp vượt biển Ảnh: Đại Dương
Ngoài ra, ông Hứa Thanh Nhàn-Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang cho biết, ngành điện đang triển khai các dự án như đường điện và Trạm biến áp 110 kV Nam Phú Quốc; đường điện và Trạm biến áp 110 kV Bắc Phú Quốc. Không chỉ tiếp sức năng lượng điện cho đảo Phú Quốc, đường dây 220 kV vượt biển còn tiếp sức cho cả các hòn đảo nhỏ lân cận, trong đó xã đảo Hòn Thơm (trực thuộc thành phố Phú Quốc). Vì vậy, đường dây hoàn thành không chỉ giúp đảm bảo nguồn điện ổn định lâu dài cho phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội tại Phú Quốc mà còn giúp đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực biển đảo Tây – Nam.
Đường dây 220 kV Kiên Bình – Phú Quốc trên biển đang được hoàn thành
Từ một hòn đảo vắng vẻ, Phú Quốc nhanh chóng trỗi dậy trở thành một thành phố nhờ xung lực của điện lưới quốc gia. Những năm qua và ngay cả hiện tại, Phú Quốc vẫn luôn như thỏi nam châm hút khách du lịch và dòng vốn đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và bất động sản. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, Phú Quốc có tốc độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ và có trên 5,1 triệu lượt khách du lịch ghé thăm trong năm 2019.
Đại Dương
Nguồn: Báo Tiền Phong