Alaska có đường bờ biển dài 49.000 dặm, hầu hết là những bãi biển hoang sơ. Nếu không có dự án mang tên ShoreZone, nhiều bãi biển tại đây vẫn là những nơi loài người chưa biết đến.
Dự án ShoreZone được phát triển năm 1989 nhằm mục đích khắc phục hậu quả do vụ tràn dầu Exxon Valdez gây ra. Cũng từ đó, những người làm dự án đã thu thập thông tin chi tiết về môi trường sống quanh vùng biển gặp sự cố tràn dầu, gồm thông tin đất đai, động vật cạn, thủy sinh và đánh giá những hiểm họa sụt lở đường bờ biển, nước biển dâng và kiểm soát sự sinh sôi của các loài động vật xâm lấn, rác biển. Tất cả đều được lưu lại bằng những tấm ảnh sinh động.
Khác những tấm ảnh sẵn có trên Google Earth và Google Maps chụp bằng vệ tinh, ảnh của ShoreZone được chụp lại trong quá trình nghiên cứu thực tế bằng trực thăng cách mặt nước biển 100 – 300 m. Đây là những tấm ảnh rõ nét, chính xác từng chi tiết. Để có được thành quả này, các nghiên cứu viên phải đợi thủy triều xuống thấp tới khi lộ ra đường bờ biển chân thực nhất để ghi hình, chụp ảnh suốt 5 ngày mỗi tháng. Đó cũng là những bằng chứng khoa học xác thực và có giá trị cao trong công tác nghiên cứu và quản lý nguồn lợi biển trên toàn thế giới; Nhưng những sắc màu cuốn hút cùng đường nét bờ biển uốn lượn tinh tế của những tấm ảnh đã giúp cả thế giới cảm nhận được môi trường sống trên khắp hành tinh quá mong manh và đang bị phá hủy dần bởi nước biển dâng, sự phát triển ồ ạt của các ngành công nghiệp và những thảm họa do chính con người gây ra.
Dưới đây là những bãi biển mới được khám phá, và được đánh giá là những vùng đất có sức hút đầy ma lực.
Sông băng Grewingk, vịnh Kachemak: Nơi các động vật cơ hội như vẹm xanh, tảo biển thống trị.
Đảo Prince William Sound: Những vách đá dựng đứng tại hòn đảo này đã bị bào mòn bởi sự lan tỏa của các mạch nước ngầm rò rỉ và nước mưa với độ dốc vừa phải.
Tignagvik Point, vịnh Kamishak: Nơi ngự trị của các loài thực vật và động vật biển, nhất là các loài tảo.
Vịnh Mills, vịnh Kasaan, đảo Prince of Walesd, đông nam Alaska: Khi khoáng chất bắt đầu tích tụ trên đá, mũi đất Tombolo được hình thành, nối liền lục địa với đảo ngoài khơi với dải màu sống động.
Mũi Magdalena, đảo Dall, đông nam Alaska: Chứa nhiều lớp trầm tích đá cẩm thạch, được con người khai thác thương mại đầu thế kỷ 20. Các vỉa đá cẩm thạch thường xếp thành tầng lên và xuống, đan xen hai sắc màu sáng và tối.
Tracy Arm, đông nam lục địa Alaska: Điểm nhấn là các lớp địa y màu đen bao phủ đá và đất, thảm thực vật khá mỏng.
Đảo Brownson, đông nam Alaska: Thủy triều có thể dâng cao hơn 7 m, mang theo khối lượng lớn tảo biển xâm nhập vào các vịnh nhỏ.
East Bight, đảo Nagai: Sóng vỗ bờ tạo thành những hình chỏm kỳ lạ. Nhiều nhà khoa học chưa lý giải được hiện tượng kỳ bí này.
Đảo McClure: Gồm nhiều tảng băng bị mắc kẹt bên trong hòn đảo chắn tạo nên cảnh quan kỳ lạ.