Khánh Hòa: Các cấp, ngành cùng vào cuộc

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011, sau hai năm thực hiện, Đề án 52 ngày càng khẳng định được ý nghĩa và vai trò quan trọng trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Khánh Hòa.

Thực trạng

Khánh Hòa là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên trên đất liền là 5.205 km2, vùng biển rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, dân cư tập trung đông, nguồn nhân lực dồi dào. Toàn tỉnh có 49 xã, phường, thị trấn thuộc vùng biển, ven biển, đảo, với trên 488.000 người, bằng 42,2% dân số toàn tỉnh, trong đó có 197.833 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định dành hơn 57 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện Đề án 52. (Riêng giai đoạn 2010-2015, tỉnh dành 29 tỷ cho việc tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng, mở rộng mô hình, triển khai các hoạt động của địa phương). Mục tiêu là nhằm đưa tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức thay thế trong giai đoạn 2010 – 2015 và ở mức 0,9 %/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Quy mô dân số các vùng biển, ven biển không vượt quá 548.000 người vào năm 2015 và 593.500 người vào năm 2020. Đồng thời, phấn đấu đưa số cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.

Đối với người đi biển, nhu cầu sinh nhiều con đặc biệt là con trai khá cao. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Do vậy, để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng dịch vụ chăm CSSKBMTE, SKSS, KHHGĐ, hướng tới hoàn thiện hệ thống quản lý về DS-KHHGĐ, tỉnh cần tập trung vào nhiều giải pháp hữu hiệu. Trước mắt, ngành y tế cần thực hiện thí điểm và nhân rộng một số loại hình, mô hình chăm sóc SKSS tại các đảo thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, 2 đảo thuộc xã Cam Bình, thị trấn Cam Ranh và 3 xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Đặc biệt, đối với huyện đảo Trường Sa việc đi lại khó khăn, nên vấn đề DS-KHHGĐ được quan tâm hàng đầu. Theo thống nhất giữa ngành y tế và UBND huyện Trường Sa thực hiện việc cung cấp các thiết bị y tế, phương tiện truyền thông mỗi khi có tàu ra.

Cán bộ y tế thực hiện cấp phát thuốc cho chị em phụ nữ

Theo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện công tác DS- KHHGĐ của tỉnh Khánh Hòa, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở ven biển của tỉnh được quan tâm chăm sóc sức khỏe trước và sau khi sinh đạt trên 95%. Các chị em được cán bộ và nhân viên y tế tư vấn, khám định kỳ. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng hàng năm đạt trên 98%. Tỷ suất sinh thô là 16,29‰, giảm 0,41‰ so với năm 2010, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 10,90% giảm 0,35% năm 2010.

 

Hướng đi đúng

Để giảm tỷ lệ sinh đẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ và trẻ em vùng dân cư ven biển không hề đơn giản, nên công tác tuyên truyền, vận động là căn bản nhất. Vận động tốt sẽ giúp người dân tự thực hiện, không quá phụ thuộc vào chương trình của nhà nước hỗ trợ. Công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, đến tận nơi để phổ biến kiến thức, các buổi văn nghệ tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ. Tổ chức tập huấn cho 25 tuyên truyền viên, tư vấn viên của Công ty Muối Khánh Hòa về tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ cho công nhân. Cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho trên 500 lao động thuộc các cơ sở sản xuất muối trên địa bàn. Tổ chức tập huấn về cung cấp dịch vụ cho 30 cán bộ y tế, cộng tác viên dân số và cán bộ thuộc Bộ đội Biên phòng huyện Vạn Ninh về mô hình cung cấp dịch vụ SKSS cho người lao động trên biển.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKBMTE và SKSS/KHHGĐ tại xã Cam Lập, TP Cam Ranh và đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Cấp phát trang thiết bị (gồm 16 máy nghe tim thai, 2 máy theo dõi tim thai, 11 kính hiển vi) cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP thuộc Đề án.

Tại các huyện, xã thuộc Đề án: thực hiện 280 lượt tuyên truyền nhóm cho gần 7.050 lượt người; tư vấn trực tiếp cho 12.815 lượt đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; phát thanh, truyền thanh trên 878 lượt; sửa chữa, làm mới 122 băng rôn khẩu hiệu; cấp phát 21.625 tài liệu, 135 cuốn sách, 105 sổ tay, 67 đĩa DVD truyền thông các loại

 Khi tiến hành Đề án 52 thì phụ nữ chính là đối tượng tham gia trực tiếp và đông đảo nhất. Họ vừa là những người thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ, họ đồng thời cũng là những người tham gia vận động các chị em khác trong địa bàn sinh sống tích cực tham gia các buổi tư vấn, truyền thông từ đó làm thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người.

Bà Huỳnh Thị Hiên – Phó Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, trong năm 2011, đội lưu động Y tế – KHHGĐ đã cung cấp các gói dịch vụ cho người dân tại 46 xã biển, ven biển. Cụ thể, tổ chức khám thai cho 9.444 lượt người, khám phụ khoa 20.770 lượt, điều trị phụ khoa cho 11.901 lượt người. Số phụ nữ được tiêm thuốc tránh thai là 2.046 người. Tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn về truyền thông DS-KHHGĐ cho 150 cán bộ Mặt trận cấp xã/phường/thị trấn.

 Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự nhiệt tình, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, công tác DS-KHHGĐ ở Khánh Hòa sẽ có bước phát triển mới. Đạt thành quả nhất định trong công tác CSSK bà mẹ nói riêng và nhân dân nói chung.

>> Tính đến hết tháng 12/2011, số mới thực hiện các biện pháp tránh thai tại Khánh Hòa là 164.206 người, đạt 76,7% kế hoạch năm, trong đó, các biện pháp tránh thai hiện đại là 151.835 trường hợp.

Phương Chi


 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!