Tình trạng dùng xung điện để khai thác thủy sản diễn ra phổ biến ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã khiến nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản nước ngọt bị cạn kiệt.
Những ngày mưa gần đây, ngang qua các xã Diên Lạc, Diên Phước, Diên Thọ… (huyện Diên Khánh), chúng tôi bắt gặp không ít người mang theo bình kích điện ra các cánh đồng ngập nước để chích điện bắt cá, tôm… Tại cánh đồng xã Diên Lạc, người đàn ông tự xưng là Trần Văn Ớt (xã Diên Phước) cho biết, dụng cụ đánh bắt này được thiết kế khá đơn giản, chỉ với một bình ắc-quy 12V, một bộ kích điện, mỗi đầu dây điện được nối với một đầu kim loại gắn vào một đầu cây sào dài. Nhờ bộ kích điện nên nguồn điện sẽ được nâng lên 220V, khi đánh bắt tôm, cá, chỉ cần đưa hai đầu sào có điện xuống vùng nước thì hầu hết các loài động vật thủy sinh từ to đến nhỏ quanh khu vực đó đều bị điện giật tê liệt. Một bộ kích điện có giá khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng.
Việc khai thác thủy sản bằng xung điện bị nghiêm cấm
Khi được hỏi đánh bắt cá, tôm bằng xung điện có sợ sẽ bị xử phạt, một người tên Hùng (xã Diên Lạc) cho biết: “Mùa mưa, tôi đem bình ra đồng kiếm mấy con cá về nhậu chơi chứ không đi thường xuyên. Trên cánh đồng này, ngày nào chẳng có người đi chích điện”. Anh Hùng nói thêm: “Trước đây, cứ mỗi mùa mưa đến, cá, tôm trên cánh đồng Diên Lạc rất nhiều. Mấy năm gần đây, đi chích điện cả buổi chẳng được mấy con”.
Thực tế, việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản còn diễn ra ở cả khu vực ven biển. Trong một lần cùng lực lượng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuần tra, kiểm soát vùng ven biển huyện Vạn Ninh, chúng tôi chứng kiến không ít đối tượng sử dụng xung điện để khai thác hải sản bị xử lý. Hỏi chuyện một trong những người đi chích điện, chúng tôi được biết, một ngày họ có thể kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng, tùy vào khu vực có nhiều hay ít cá. Số tiền này không lớn, nhưng cái giá phải trả cho hành vi này rất lớn. Bởi thủy sản đang kiệt quệ, môi trường sinh thái cũng bị hủy diệt. Không những thế, việc sử dụng xung điện để chích cá rất nguy hiểm đối với người sử dụng nếu bất cẩn.
Ông Lê Văn Dũng – Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc khai thác thủy sản bằng phương tiện cấm, trong đó có xung điện không chỉ xảy ra ở khu vực nội đồng mà còn ở nhiều địa bàn ven biển trong tỉnh. Thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm đã được Thanh tra Sở đẩy mạnh, hàng chục vụ sử dụng xung điện để khai thác thủy sản đã bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển, còn khu vực nội đồng chưa triển khai được nhiều do nhân lực có hạn. Thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các phương tiện cấm, trong đó có xung điện để khai thác thủy sản; tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm.
Tình trạng sử dụng xung điện khai thác thủy sản đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; tác động xấu đến các hệ sinh thái đặc thù. Vì vậy, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
>> Ngày 2/1/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản, tiếp tục ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản, ngày 30/7/2014, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 19 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01. Ngoài ra, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm việc khai thác thủy sản bằng phương tiện hủy diệt, quy định các vùng cấm… |