Khánh Hòa: Sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh vừa nghiệm thu loại khá đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển tại Khánh Hòa”. Đề tài do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa chủ trì, kỹ sư Lê Thị Như Phượng (Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải Nha Trang) làm chủ nhiệm.

Đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển, bao gồm tuyển chọn bổ sung đàn cá gáy bố mẹ và cho đẻ nhân tạo, xác lập chế độ cho ăn và mật độ ương cá bột mới nở đến 1,5 – 2cm; kỹ thuật ương nuôi cá gáy từ 1,5 – 2cm đến cỡ 4 – 5cm, hạch toán kinh tế và xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo. Đề tài cũng đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển cho 8 đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, tỷ lệ sống của cá bố mẹ được tuyển chọn từ đàn cá nuôi đạt 90%; cá đẻ 6 đợt trong năm, tỷ lệ thụ tinh đạt hơn 60%, tỷ lệ nở gần 92%. Với 1 trại sản xuất giống nhân tạo, mỗi đợt sản xuất được 50 ngàn con cá giống cỡ 4 – 5 cm, giá thành 1.200 đồng/con, giá bán khoảng 2.000 đồng/con.

Cá gáy biển thịt trắng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Theo nhóm thực hiện đề tài, đây là đối tượng mới, chưa từng có các công trình nghiên cứu đã công bố về đặc điểm sinh học và sản xuất giống nhân tạo loài cá này. Cá gáy biển được khai thác nhiều ngoài tự nhiên. Ngư dân tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và đảo Phú Quốc đã nuôi cá gáy thương phẩm từ nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên cho hiệu quả kinh tế cao.

N.D

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!