T2, 06/07/2020 01:52

Khánh Hòa: Thiếu lao động nghề biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 9.808 tàu cá, trong đó tàu khai thác xa bờ lên đến 1.336 chiếc. Để đảm bảo cho số tàu này hoạt động cần có khoảng 33.000 lao động trực tiếp khai thác trên biển.

Tàu nhiều, lao động khan hiếm, thế nên mới có nhiều chuyện phát sinh khi chủ tàu đi tìm bạn thuyền (lao động nghề biển), từ chuyện bạn thuyền lừa chủ tàu, ứng trước tiền của 3 – 4 chủ tàu nhưng không chịu đi làm cho tàu nào. Không tìm đủ bạn thuyền, những tàu câu cá ngừ đại dương cần ít nhất 6 lao động thì nay chỉ có 4 người cũng vươn khơi, hay tàu lưới vây khơi cần 16 người thì hiện nay chỉ được 12 người, tàu vẫn đi.

Thiếu lao động nghề biển

“Không như ngày xưa, chủ tàu cá bây giờ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, lo đủ thứ chuyện, nào là lời lỗ mỗi chuyến biển, chuyện tu bổ tàu thuyền, ngư cụ, lo phí tổn sắm chuyến… Gian nan nhất là chuyện tìm bạn thuyền. Ở Hòn Rớ, chủ tàu bị bạn tàu lừa như cơm bữa. Cách đây 1 tháng, tôi ra tận Hòn Khói (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) để tìm thêm 2 người đi câu, đưa trước cho mỗi người 4 triệu đồng. Cứ đinh ninh lao động đã đủ, tôi lại chạy vạy lo sắm chuyến. Đến ngày ra khơi, gọi điện thì họ bảo “đang trên đường vào”, đợi mãi không thấy đâu, sốt ruột gọi tiếp thì họ tắt máy, số tiền đưa trước cho họ đòi mãi không được. Thương con đã sắm chuyến hơn trăm triệu đồng, nay tàu có nguy cơ nằm bờ vì thiếu bạn, cha tôi đã 70 tuổi, hơn 15 năm lên bờ cũng đành xuống tàu để ra khơi cùng con, cháu. Có lần, tàu đã ra khỏi cửa biển, bạn tàu nhảy xuống nước trốn về bờ, dù tiền công đã ứng trước…”, ngư dân Lê Văn Sang – chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) chia sẻ.

Hỏi thêm các ngư dân ở Hòn Rớ, được biết, sau mỗi chuyến biển, trừ chi phí, lãi còn bao nhiêu thì chủ tàu (người đầu tư tàu cá, ngư cụ) được chia 50%, bạn không tốn chi phí đầu tư được chia 50%. Đối với tàu lưới rê, lưới vây khơi, do chủ tàu phải bỏ chi phí đầu tư cao nên chia theo tỷ lệ chủ tàu 70%, bạn 30%; những chuyến biển đói, ngoài bù lỗ, chủ tàu phải chi bồi dưỡng 4 – 5 triệu đồng/người để giữ bạn thuyền. Ấy vậy mà lao động nghề biển vẫn bỏ nghề. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nghề biển vất vả, thậm chí nguy hiểm, trong khi thu nhập thấp so với lao động trên bờ. Nhiều ngư dân lành nghề vì thế đã bỏ biển, thanh niên làng biển thì không muốn tiếp nối nghề biển của cha, ông.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, muốn thu hút được lao động nghề biển thì phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập cho người lao động, vì vậy phải nâng cao được hiệu quả chuyến biển. Có một thực tế là trình độ ngư dân hiện nay còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của biển, dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập không cao, vì thế ít người muốn gắn bó với nghề khai thác xa bờ. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang tập trung phát triển, hiện đại đội tàu khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, vừa cải thiện điều kiện làm việc cho ngư dân. Bên cạnh đó, việc đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân cũng được chú trọng.

Trong khi các biện pháp để giữ lao động nghề biển đang được triển khai thì lao động nghề biển vẫn tiếp tục rời biển; tình trạng khan hiếm lao động trên các tàu cá vẫn tiếp diễn. Tại Hòn Rớ, hàng trăm tàu cá tiếp tục nằm bờ mà nguyên nhân chính là do thiếu lao động.

Bích La

Theo Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!