Khoảng chục năm trở lại đây thì nghề nuôi Sá sùng ở huyện Vạn Ninh được nhiều người biết đến, góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân tại địa phương. Vừa qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 Nha Trang đã nghiên cứu thành công “quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng”. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật, một số người dân tại địa phương đã áp dụng phương pháp này và cho hiệu quả khả quan.
Đìa nuôi Sá sùng của gia đình ông Trần Văn Gần, thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh là một trong số những hộ có số lượng nuôi Sá sùng lớn. Hiện tại gia ông đang nuôi với tổng diện tích 9000m 2 Sá Sùng. Ông Gần cho biết, sau khi tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng do Hội Nông dân xã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 Nha Trang tổ chức, ông đã áp dụng ngay phương pháp trên. Đến nay, sau hơn 3 tháng áp dụng, ông nhận thấy hương pháp trên cho hiệu quả rất khả quan, mật độ có thể lên đến hàng trăm con Sá Sùng/m2.
Ông Trần Văn Gần – Thôn Tuần Lễ – Xã Vạn Thọ – Huyện Vạn Ninh cho biết: “Được Viện nuôi trồng thủy sản III ra chỉ cho cách thức nhân giống, thì mấy hôm nuôi theo kiểu sinh nở tự nhiên nên mật độ nó thưa, nay viên chỉ cho cách nhân giống, theo phương pháp đó thì cho nhân giống đẻ rất là dày, chắc chắn hướng tới thu hoạch cao hơn mấy năm trước.”
Hiện nay phương pháp sinh sản nhân tạo Sá sùng được các hộ dân ở địa phương áp dụng khá phổ biến, hầu hết đều cho kết quả khả quan. Quy trình thực hiện phương pháp này khá đơn giản. Sau khi thu hoạch, người dân cần tháo hết nước trong đìa nuôi, cày ải và phơi khô dưới nắng trong thời gian 5 đến 7 ngày. Trong qúa trình phơi, trứng của Sá Sùng gặp nắng sẽ tự nở thành ấu trùng. Sau 7 ngày thì tiến hành lấy nước vào đìa nuôi để ấu trùng phát triển thành con non, mức nước cao từ 8 tấc đến 1m và duy trì cho đến lúc xuất bán. Có thể thả nuôi thêm các loại cá để chúng ăn rong, tạo độ thông thoáng cho Sá sùng phát triển. Thời gian nuôi Sá sùng từ 5 đến 7 tháng là có thể xuất bán. Hiện nay, sá sùng có giá từ 190 nghìn/kg trở lên. Mỗi kg từ 60 đến 400 con.
Theo anh Trần Quang Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh: “Nuôi sá sùng của địa phương thì trước đây người ta nuôi theo kiểu tự có ở đất, người ta bảo vệ người ta nuôi và nguồn giống tự sinh ra thôi chứ không có nguồn giống ở đâu cung cấp hết cả. Sau khi tập huấn, bà con được hưỡng dẫn của viện thủy hải sản III thì đã áp dụng phương pháp cho đẻ tại hồ, thì hiện nay bà con đã làm thành công, con Sá sùng đã có đẻ thành công, hiện nay ở hồ rất nhiều Sá sùng con. Hứa hẹn mùa vụ sắp tới rất thành công.”
Sá sùng là loài nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Việc nhân giống Sá sùng thành công hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân. Hiện nay, việc tiêu thụ Sá sùng tại địa phương khá thuận lợi, tuy nhiên người dân và chính quyền địa phương cần tìm những nguồn tiêu thụ ổn định để mô hình nuôi có tính bền vững cao.