Khao lề thế lính Hoàng Sa: Trông Hoàng Sa nhớ người đã khuất

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – “Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi, xót thương thay, liều thân vì Tổ quốc, quân vụ biên phòng chạnh niềm viễn xứ…”. Đến với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay, lắng nghe quốc hồn dân tộc trong lời điếu người lính Hoàng Sa oai hùng một thuở.

Từ biển nhìn vào, ngọn núi Thới Lới linh thiêng bao đời chìm trong mây giăng che phủ. Vậy là, ngôi mộ gió của Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật do triều đình Nhà Nguyễn ban tặng: Trung can huyền nhật nguyệt – nghĩa khí quán càn khôn (Tức lòng trung sáng tỏ tựa mặt trời mặt trăng, nghĩa khí bao trùm cả trời đất) hiện ra một cách bí ẩn. Bí ẩn như những câu chuyện chưa thể kể hết về các bậc tiền nhân đã hy sinh và phiêu dạt giữa biển cả trùng khơi.         

“Mấy ổng hy sinh rồi, giờ không biết độ tới nơi nào. Bởi chết giữa biển khơi có biết lối mà về…?”. Giọng nói chậm rãi, nằng nặng, thoát ra từ đáy lòng của ông Phạm Đoàn – hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật như hàng vạn câu hỏi họ cần lời giải đáp.


Cúng khao lề

Đã mấy trăm năm rồi còn gì! Thịt xương của những hùng binh Hoàng Sa gởi lại biển cả, hòa lẫn trong làn nước, thấm vào lòng đất. Mỗi chiến binh Hoàng Sa khi ra khơi đã mang theo một thẻ bài có khắc tên tuổi để dắt vào xác thả trôi về bản quán. Tên tuổi của các chiến binh Hoàng Sa đã ăn sâu vào máu thịt của các cư dân trên đảo rồi còn gì…!?

Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm linh của những người còn sống, ai cũng canh cánh nỗi lo người thân phiêu dạt không trở về. Cũng vì vậy, trước ngày lễ khao lề, các tín đồ Phật giáo đã tổ chức cầu siêu với tiếng kinh cầu: “Nhất thành thượng đạt, vạn tội ban tiêu, nguyện chư hương linh, siêu sanh tịnh độ”. Trên bàn thờ, những ngọn đèn như ánh mắt của những hùng binh Hoàng Sa, trăm năm vẫn luôn thao thức. Thầy Hạnh Hỷ – trụ trì chùa Từ Quang trên đảo thì chia sẻ: “Phải nguyện cầu để hương linh những người lính Hoàng Sa trở về với bến giác”.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VH – TT và DL tỉnh Quảng Ngãi, tâm sự: “Ngày trước, ông bà mình làm Lễ khao lề thế lính, mục đích nhằm gởi gắm sinh mạng của những người lính vào các hình nhân thả ra biển. Những hình nhân này sẽ gánh nạn thay cho lính Hoàng Sa. Và lễ thức đó nói lên ước nguyện của mọi người, mong cho lính Hoàng Sa bình yên trở về với gia đình, vợ con. Vì thế, ngày nay chúng ta làm lễ thế lính, và cũng là tế vong linh của những người lính Hoàng Sa như một cách tri ân đối với họ…".

Trong buổi lễ khao lề, khi ông chủ tế đĩnh đạc hô to: “Anh em binh phu! Hãy đưa lính Hoàng Sa lên đường”. Vậy là 5 chiếc thuyền được đội dân binh mang thả xuống biển, nhằm thẳng hướng ra đảo Hoàng Sa. Ngày xưa, lễ thức này như một cách thế mạng, gánh thay sự rủi ro cho người lính nên gọi là khao lề thế lính. Còn giờ đây, lễ hội này đã trở thành lễ hội tế lính, nhằm tri ân những bậc tiền nhân đã khuất.

Đưa các hình nhân ra khơi

Có gì đó nhói lên trong lòng, hàng ngàn ánh mắt vẫn đong đầy nỗi tiếc thương. “Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về…”. Tinh thần của đội lính Hoàng Sa lưu danh muôn thuở. Bước chân xuống thuyền, chia tay người thân, dù biết rằng chẳng mấy ai trở lại. Thế nhưng, vì Tổ quốc, họ chấp nhận mọi sự hy sinh – giong buồm, nương theo gió nồm để ra đảo Cát Vàng, chờ đúng sáu tháng có gió bấc thì nương theo đó mà quay trở về bản quán. Họ mặc cho thiên tai, bão tố trên biển luôn rình rập. Sinh mạng của họ được thác cho bờ cõi, non sông.  

Đến lễ khao lề, trầm mình lắng nghe câu thơ của nghệ nhân Võ Hiển Đạt (người đã phục dựng chiếc thuyền của đội lính Hoàng Sa). Câu thơ nặng trĩu quốc hồn dân tộc: “Vô vọng Hoàng Sa hoài Tổ quốc – Dương ba Đông Hải niệm u hồn”.

                                                       LÊ VĂN CHƯƠNG

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quãng Ngãi phối hợp với 13 tộc họ tiền hiền và hậu hiền trên đảo Lý Sơn có người đi lính Hoàng Sa đứng ra tổ chức. Đây là tình cảm của những người dân trên đảo hôm nay dành cho các chiến binh Hoàng Sa – thế hệ cha ông thửa trước.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!