Cá nuôi bị trúng độc, nổi đầu không theo mùa hay thời gian nào cụ thể trong ngày. Tuy nhiên, thường gặp nhất là vào mùa hè nắng gắt, nhiệt độ tăng cao hoặc mưa to và lâu ngày.
Một số nguyên nhân và triệu trứng
Cá nuôi bị nổi đầu (loại trừ nguyên nhân do bệnh) có thể do hai nguyên nhân chính là ao nuôi thiếu ôxy và khí độc trong ao. Những tác nhân này đều khiến cho cá chết hàng loạt, thậm chí là cả ao nuôi nếu không xử lý kịp thời.
Cá bị trúng độc hoặc nổi đầu đều có biểu hiện là bơi lội không định hướng, chao đảo rồi hôn mê. Bị nặng, thân cá chuyển màu thâm đen, tăng độ nhớt, mất năng lực hoạt động mà chết.
Trong trường hợp do thiếu ôxy cá nổi đầu (hoặc thiếu ôxy khiến khí độc tăng cao), cá có hiện tượng bơi lên bề mặt, phân tán khắp ao, cá đớp ôxy… Khi bị nặng, cá dần nổi ngửa bụng lên, giẫy giụa mất thăng bằng, để lâu bụng hướng lên phía trên và cá chết.
Khi cá trong ao, bè nuôi bị trúng khí độc, thiếu ôxy nổi đầu thường bị chết, không phụ thuộc vào loài, kích cỡ. Cá có thể chết rải rác hoặc chết hàng loạt.
Cần xác định đúng nguyên nhân cá nổi đầu để chữa trị kịp thời – Ảnh: CTV
Cách phòng ngừa
Đa phần các ao nuôi, nhất là các bè nuôi cá hay bị chết do nước thải từ các nhà máy đổ ra khu vực nuôi. Những nước thải, chất thải này thường chứa các kim loại nặng, độc tố làm cá chết nhanh khiến người nuôi không kịp trở tay.
Đối với ao nuôi, rong tảo phát triển quá mạnh dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy cho cá vào ban đêm. Khi rong tảo tàn lụi sẽ sinh độc tố hoặc bám vào mang cá ảnh hưởng đến hô hấp, nếu nặng khiến cá không hô hấp được và chết.
Trong trường hợp cá nổi đầu do trúng phải khí độc thì phải bổ sung nước mới vào ao đồng thời xả nước cũ ra ngoài. Vừa tháo vừa cấp cho đến khi cá có dấu hiệu bình thường. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần xác định đúng nguyên nhân làm cá trúng độc, loại khí độc để có biện pháp xử lý kịp thời. Dùng một số loại chế phẩm sinh học, hóa chất để xử lý các khí độc như H2S, NH3,..
Khi cá trong ao nổi đầu do thiếu ôxy thì cần tăng cường hệ thống quạt nước (nếu có). Tiến hành bơm nước mới sẽ giúp làm tăng ôxy trong ao. Trong trường hợp cần thiết, phải sử dụng thuốc làm tăng ôxy để cấp cứu kịp thời cho cá.
Ngoài những biện pháp trên, khi nuôi cá cần chú ý thả nuôi với mật độ vừa phải. Nếu là nuôi lồng bè cần chọn vị trí cho phù hợp, tránh nuôi ở những vùng nước gần nhà máy, khu công nghiệp hoặc khu đông dân cư.
Trong quá trình nuôi, cần kiểm soát tốt lượng thức ăn, tránh để thức ăn dư thừa trong ao gây ô nhiễm nước và thức ăn thừa phân hủy sẽ phát sinh khí độc. Không sử dụng phân tươi từ vật nuôi như gà, lợn, vịt… làm thức ăn cho cá.
Định kỳ dùng các loại chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy, làm sạch đáy, giảm và loại trừ các khí độc phát sinh trong ao.
Tăng cường dinh dưỡng nâng cao sức khỏe và đề kháng cho cá nuôi cũng góp phần giảm thiểu những thiệt hại khi có sự cố xảy ra trong ao nuôi.