T2, 06/07/2020 09:48

Khi ngư dân học tiếng Hàn

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Học sinh, công nhân, các bà đi làm “ô sin” học tiếng Hàn để xuất khẩu lao động – chuyện này khá quen thuộc ở Việt Nam. Vùng Quảng Ngãi, các ngư dân vốn chỉ quen việc lưới chài, nay tung tăng cắp sách đến trường để học tiếng Hàn. Thế mới lạ!

An-na-ca-sê-ố!

“An-na-ca-sê-ố!”, tôi ngạc nhiên khi cô giáo Nguyễn Bảo Yến vừa bước vào phòng, cả lớp đồng thanh đứng dậy, cúi gập người và cất tiếng chào rất đều theo nghi lễ của xứ sở Kim Chi (Hàn Quốc).

Tiếng Hàn – dễ tìm thấy nhất là trong các bộ phim tình cảm công chiếu dày đặc trên sóng truyền hình. Nhưng, tiếng Hàn giờ lại được nghe trong một lớp học ở một xã miền biển, học viên đều là ngư dân – đó mới là chuyện lạ. 

Và, một chút hoài nghi về tác phong xuề xòa, ăn sóng nói gió vốn là bản tính cố hữu của các ngư dân mau chóng trôi qua. Trên bảng, cô giáo quê ở Quảng Bình có vẻ mặt xinh xắn như diễn viên Hàn. Hơn 50 học sinh nam chăm chú nghe giảng và trả bài.

Giờ trả bài trên lớp học tiếng Hàn

“Cha-chong-con: là xe đạp, a-pa-chi là bố, chan-song-ky là cái quạt…”, một học viên tóc vàng hoe, nước da đen nhẻm đứng lên giải bài tập về nhà, hóa ra các ngư dân học hành cũng không thua chị, kém em.

Các học viên bắt đầu đi vào làm quen với phần hóc búa, đó là ngữ pháp. “Có nhiều ngư dân học rất xuất sắc. Do tiếng địa phương đặc sệt, các học viên ở đây cứ nhầm vẫn NG và N trong tiếng Hàn” – cô giáo mỉm cười nhìn học trò đang hí hoáy ghi bài và cho biết.

Học tiếng Hàn để làm gì vậy? Mang câu hỏi này thăm dò nhiều ngư dân và đều nhận được câu trả lời chung nhất: tụi em xuất ngoại qua Hàn Quốc đánh cá hoặc lao động trong các cơ sở sản xuất thủy sản. Quê mình có cá nhưng chắc khó làm giàu.

Lớp tại xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh là lớp học thứ 2 ở Quảng  Ngãi. Lớp học thứ nhất ở huyện Đức Phổ với 30 học viên. Các học viên sẽ được thi hết khóa tại Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 12 năm 2010.  Lớp học do Công ty Bước Chân Việt liên kết với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Nội dung đào tạo các ngư dân hiểu thêm ngôn ngữ, phong tục tập quán để xuất khẩu lao động làm biển ở Hàn Quốc.

 

Ước mơ qua xứ Hàn

Ước mơ đổi đời khiến nhiều ngư dân thực sự chăm lo học hành. Ngư dân Nguyễn Thanh Hồng, sinh năm 1972, quê quán Tịnh Kỳ cho biết: Tôi làm biển được gần 13 năm, vừa rồi mới bán tàu cá để giã từ nghề biển ở Việt Nam. Cả hai vợ chồng thống nhất, vợ ở quê, chồng đi Hàn”.

Ngày học ở lớp, tối về ôn bài. Đứa con anh Hồng bỗng thấy bố mình bỏ biển, không tụ tập các thuyền viên để nâng ly đánh chén mỗi khi vào bờ. Ông bố tự dưng dùi mài đèn sách, nên cháu cũng phụ họa theo: a pa chi (bố).

Học sinh rất chú ý lắng nghe

“Tiếng Hàn rất dễ học, khó nhất là một câu nếu so với tiếng Việt thì dài như chùm lưới mực”, ngư dân Lương Tiến Trung, học viên có kết quả tốt nhất lớp tâm sự. Gia đình anh Trung hiện có chị gái đã qua Hàn Quốc và làm trong một công ty nuôi trồng thủy sản rất khá giả. Hai vợ chồng anh cũng phân công, người ở Việt Nam, người qua Hàn đánh cá. Cũng theo anh, khóa học tiếng Hàn gần kết thúc, giờ xem phim Hàn anh có thể hiểu được ít nhiều.      

Cô giáo Yến cho biết: Trước đây cô chuyên đào tạo tiếng Hàn cho người dân các tỉnh miền Tây. Các lớp này chiếm phần lớn là nữ. Còn ở Quảng Ngãi thì ngược lại – 100% là nam. Nhìn chung, học sinh rất quyết tâm học hành và không học theo kiểu ngày đầu thì đông, cuối khóa rớt lần. Ngoài giờ học, vào ngày thứ 7 và chủ nhật, các học viên được thực hành thêm ngoài cuộc sống, hát hò tiếng Hàn. Khóa học 3 tháng, học phí 900.000 đồng.

Một học viên kể câu chuyện vui: “Hồi giờ chỉ biết biển giã, ghe, câu, bây giờ đi thực hành tiếng Hàn. Thấy cô giáo xinh, thỉnh thoảng vợ mấy ảnh bế con tới đứng dòm để thông báo cho cô biết… Mỗi khi đi học về, bà xã cười tít mắt khi nghe em chào bằng tiếng Hàn giống y như trong phim: “An-na-ca-sê-ố!”.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2010, Bộ Lao động Hàn Quốc phân bổ số lượng lao động được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển sang Hàn Quốc là 12.500 người. Trong đó, 8.000 chỉ tiêu trong ngành sản xuất chế tạo, 2.000 trong xây dựng, 1.500 trong nông nghiệp và 1.000 chỉ tiêu trong ngành thủy sản.

Tuy nhiên trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tuyển khoảng 2.000 lao động Việt Nam là những ngư dân thực thụ làm việc bên Hàn Quốc trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Việc xuất khẩu lao động này sẽ mở ra cơ hội cho 2.000 ngư dân ven biển của Việt Nam có cơ hội thoát nghèo.

 

                 LÊ VĂN CHƯƠNG

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!