Khi tôm, lúa cùng tăng giá

Chưa có đánh giá về bài viết

Cuộc song hành tăng giá của 2 đối tượng chủ lực của ngành nông nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021 không chỉ mang đến niềm vui cho nhà nông, nhà quản lý, mà còn là động lực để tất cả có thêm niềm tin vào những vụ mùa thành công trong năm mới vốn được dự báo tiềm ẩn không ít khó khăn này.

Thật ra, sự tăng giá của con tôm và cây lúa từ đầu năm đến nay vốn không phải là một bất ngờ quá lớn, bởi nó đã được các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo ngay từ những ngày đầu của quý IV năm 2020. Tuy không quá bất ngờ nhưng dẫu sao nó vẫn là niềm vui lớn của mọi người, mọi nhà, nhất là nhà nông vì theo quan niệm chung “Đầu xuôi, đuôi lọt”.

thu hoạch lúa

Thu hoạch lúa trúng mùa, trúng giá. Ảnh: Tích Chu

Không như năm rồi, năm nay, vụ lúa Đông – Xuân sớm lẫn chính vụ tính đến giờ này vẫn an toàn trước mùa hạn hán. Không những vậy, điều kiện thời tiết dường như cũng thuận lợi hơn nên hầu hết đều trúng mùa, năng suất đạt rất cao. Mới hôm 4/3, trò chuyện cùng một người bạn ở xã Thạnh Thới An (Trần Đề, Sóc Trăng), hỏi thăm chuyện lúa thóc, anh cười rất tươi, khoe: “Năm nay đồng Thạnh Thới An trúng dữ lắm, cả giống Đài thơm 8 hay ST25 đều cho năng suất rất cao. Riêng tôi làm giống ST25 được gần 1,2 tấn/công tầm lớn nhưng do điều kiện vận chuyển khó khăn nên chỉ bán được giá 7.200 đồng/kg tại ruộng, còn những ruộng gần lộ được doanh nghiệp mua tới 7.600 đồng/kg, thậm chí có người bán được tới 8.000 đồng/kg”.

Đúng là năm nay lúa trúng thiệt, nhưng điều khiến nhà nông vui nhất chính là giá lúa của tất cả các loại giống đều ở mức trên 6.000 đồng/kg. Ngay cả giống lúa vốn được khuyến cáo hạn chế sản xuất như IR 50404 giá bán cũng lên tới 6.500 đồng/kg và đứng đầu bảng giá vẫn là 2 giống ST24 và ST25. Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, giá lúa tăng cao do xuất khẩu gạo của Việt Nam thuận lợi nhờ ngoài việc tận dụng tốt thị trường đã có FTA, còn có một phần do nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực từ các nước trước tình hình dịch bệnh và thiên tai. Các dự báo cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục được giữ vững ở mức cao nhờ cải thiện được chất lượng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân không nên vì giá tăng trước mắt mà vội xuống giống sớm vụ tiếp theo vì như thế sẽ phá vỡ kế hoạch sản xuất chung của toàn vùng và cả nước.

Con tôm nước lợ sau một năm thành công trong đại dịch tiếp tục mang đến niềm vui cho người nuôi bằng mức giá cao trong những tháng đầu năm này. Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm đều có nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu rất lớn, nhưng nguồn cung lại rất hạn chế do vụ nuôi chỉ mới bắt đầu. Đây cũng là điều đã được dự báo trước, nhưng một số doanh nghiệp vẫn bị động trong khâu nguyên liệu dẫn đến tình trạng tranh mua, đẩy giá tôm không ngừng tăng mạnh. Nếu như ở thời điểm này năm ngoái, giá tôm sú giảm mạnh rất khó tiêu thụ thì hiện nay tôm sú đang hút hàng và tăng giá mạnh ở hầu hết các kích cỡ. Đối với tôm thẻ cũng vậy, xuyên suốt năm 2020 giá tôm thẻ loại 100 con/kg gần như luôn ở mức dưới 80.000 đồng/kg thì từ đầu năm đến nay đã vượt qua mốc 100.000 đồng/kg và hiện đang tạm giữ ở mức 105.000 – 107.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, khác với cây lúa, khi giá lúa gạo tăng cao, cả doanh nghiệp và nông dân đều vui, còn đối với con tôm, nông dân vui nhiều hơn doanh nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi mới đây, giám đốc một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm lớn của tỉnh cho rằng, giá tôm trong nước tăng cao chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung, buộc các doanh nghiệp đã ký hợp đồng phải tăng giá tranh mua để có hàng giao cho đối tác, chứ không phải do giá tôm thế giới tăng. Vị giám đốc trên chia sẻ: “Năm nay, hầu hết các nước nuôi tôm lớn như: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam… đều đặt mục tiêu gia tăng sản lượng tôm nuôi, nên nhiều khách hàng nhập khẩu tôm vịn vào thông tin này để không tăng giá mua và chưa vội ký kết hợp đồng lớn dù nguồn tôm dự trữ của họ cũng không còn nhiều”.

Hiện nay, mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ mới đã bắt đầu nhộn nhịp do các yếu tố thời tiết, độ mặn… cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nhưng điều người nuôi tôm quan tâm hiện nay là liệu giá tôm có còn giữ ở mức cao đến khi vào vụ thu hoạch rộ hay không? Cũng theo chia sẻ của vị giám đốc trên, trước mắt, giá tôm nhiều khả năng giữ ở mức cao đến giữa quý II, nhưng về lâu dài sẽ rất khó đoán, bởi nó còn phụ thuộc vào tình hình cung – cầu thị trường và diễn biến của dịch Covid-19. Tuy nhiên, có điều vị giám đốc trên khẳng định rằng, nếu sản lượng tôm các nước đều tăng như kế hoạch chắc chắn giá tôm sẽ giảm lại, thậm chí nhiều khả năng quay về mức giá như năm 2020. Do đó, giải pháp thả nuôi rải vụ trong khung lịch thời vụ vẫn rất cần được người nuôi tôm quan tâm để tránh tình trạng cung vượt cầu làm giảm giá.

Tích Chu

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!