Khó thay đổi nhận thức của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Việc triển khai Đề án 52 tại các xã ven biển Nghệ An trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, xã hội cũng như nhận thức của ngư dân còn hạn chế. Có những gia đình cả bố mẹ, con cái đều đi biển, ít ở đất liền nên thông tin chính sách DS-KHHGĐ gần như mờ mịt. Do vậy, việc gặp họ đã khó, việc nói chuyện để họ hiểu và thực hiện còn khó bội phần.

Bùng phát “con thứ 3”

Từ trước đến nay, việc triển khai các hoạt động về công tác DS, CSSKSS, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân ở các vùng biển và ven biển Nghệ An gặp không ít khó khăn. Do đặc điểm nghề nghiệp nên họ rất cần lao động là nam giới. Thêm vào đó, tâm lý phải có con trai để nối dõi còn rất phổ biến đã khiến cho vùng biển Nghệ An luôn tiềm ẩn nguy cơ sinh nhiều con. Nhiều xã ven biển, nhiều phụ nữ đã lén tháo vòng tránh thai để sinh thêm con.

 An Hoà là một xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ 2 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 tại đây có xu hướng tăng đột biến (38 – 40%). Năm 2010, xã An Hoà có 3 trường hợp các chị em lén đi tháo vòng ở phòng khám tư và sinh con thứ ba. Không chỉ ở An Hòa mà xã Quỳnh Phương cũng có trường hợp tương tự như vậy. Điều này làm khó khăn thêm cho công tác vận động kế hoạch hoá dân số vốn đã không dễ dàng ở nơi đây.

Trẻ em vùng biển phải làm việc từ nhỏ           Ảnh: CTV

Khi trao đổi, nhiều chị em cho rằng việc sinh thêm con là sự bắt buộc của gia đình nhà chồng. Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Hồng Thái, xã Quỳnh Phương cho biết: Tôi đã có 4 cô con gái, nhưng gia đình nhà chồng muốn có con trai để theo bố đi biển, nên sinh thêm đứa thứ năm được con trai, nhưng chồng tôi vẫn chưa muốn dừng lại.

Trường hợp sinh thêm con như gia đình chị Hường còn xảy ra khá phổ biến ở các xã miền biển. Theo chị Nguyễn Thị Thuỷ – CTV dân số thôn Quang Trung, xã Quỳnh Phương: 6 tháng đầu năm nay, tại xã có 1 chị sinh con thứ tư, 1 chị sinh con thứ năm, 1 sinh con thứ 3… Mình có đến tuyên truyền, nhưng khi vận động xong rồi cuối năm vẫn thấy họ đẻ!

Lý do sinh thêm con thứ 3 còn được chị em lý giải để có thêm người làm cho gia đình, hoặc nhỡ có trường hợp bất trắc xảy ra! Do đặc trưng kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, đến mùa nắng từ tháng 4 – 6, chị em về tham gia vụ làm muối, hết thời gian đó, họ lại tản lên các đô thị tìm việc. Vì bố mẹ đi làm, ít có sự giám sát các con, dẫn đến tai nạn thương tích. Do vậy, nhiều gia đình cứ “vượt rào” tiêu chuẩn 2 con để đề phòng bất trắc.

Mặt khác, do đặc thù địa lý và môi trường, nghề nghiệp, đại đa số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh phải làm việc trong môi trường biển, ngập mặn. Họ lại coi nhẹ việc tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mang thai và chất lượng bào thai. 

 

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Nhận thức được những khó khăn, thách thức đó, khi bắt tay vào triển khai Đề án 52, Chi cục DS – KHHGĐ Nghệ An xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là phải “tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi bền vững ở các đối tượng về DS, CSSKBMTE, SKSS, KHHGĐ”. Đây là một quyết sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn để giải quyết những khó khăn đối với công tác DS, SKSS và KHHGĐ cho nhân dân vùng biển và ven biển trên địa bàn.

Vì vậy, Chi cục DS – KHHGĐ Nghệ An đã tích cực xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú; phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục, tập quán và nhận thức của người dân vùng biển, như: Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để đăng tải các bài viết; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các phóng sự phát thanh – truyền hình, tập san chuyên đề về dân số vùng biển… Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông tư vấn trực tiếp cho đối tượng bằng hình thức: thảo luận nhóm, tư vấn trực tiếp cho đối tượng tại hộ gia đình, bến cảng, âu thuyền, nơi làm việc và tập kết của ngư dân… Tổ chức xây dựng các mô hình truyền thông lồng ghép; các cuộc thi tìm hiểu về chính sách và kiến thức DS, SKSS-KHHGĐ tại các xã vùng biển, ven biển thuộc địa bàn của Đề án 52 bằng hình thức sân khấu hoá, các tiết mục văn nghệ dân gian đặc thù phù hợp với người dân vùng biển và ven biển…

Hà Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!