(TSVN) – Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 đang được Bộ NN&PTNT dự thảo trình Chính phủ.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gia tăng, cùng với biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn.
Trong bối cảnh này, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Đây là mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và cho thấy hiệu quả. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 cũng đề cập rõ, việc chuyển đổi sang KTTH là giải pháp quan trọng góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
So sánh khái quát giữa kinh tế tuyến tính với kinh tế tuần hoàn. Ảnh: ST
KTTH trong nông nghiệp là vấn đề thực sự quan trọng và được coi như một giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, giảm phát thải nhà kính bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế và chưa thực sự biến phụ phẩm trong nông nghiệp thành tài nguyên đáng giá, chưa góp phần nhiều tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm cho khu vực nông thôn. Có nhiều nguyên nhân khác nhau của vấn đề này, trong đó có nhân tố rất quan trọng là các khoa học công nghệ cho việc phát triển KTTH chưa thực sự ưu tiên nghiên cứu phát triển. Hơn nữa việc chuyển giao các công nghệ phù hợp và hiệu quả tới người sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp đến năm 2030” là hết sức cần thiết. Đề án này sẽ góp phần giúp Bộ NN&PTNT hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; nhằm thúc đẩy phát triển KTTH trong nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp giá trị cao hơn, bền vững hơn, xanh hơn.
Để thực hiện mục tiêu tại Dự thảo Đề án trên, Bộ NN&PTNT đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là: Truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện KTTH trong sản xuất nông nghiệp; Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển KTTH trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình KTTH đối với sản xuất nông nghiệp; Chuyển giao nhân rộng KTTH trong sản xuất nông nghiệp bền vững; Xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp; Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào KTTH trong sản xuất nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp; Học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, về phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình KTTH đối với sản xuất nông nghiệp; Bộ đề xuất: Tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp để có thể sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; phát triển công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện KTTH trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng loại mô hình KTTH của từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy, hải sản, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi, vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm…), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng lồng ghép các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã phê duyệt, cấp bộ, cấp địa phương, ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ đối với một số lĩnh vực trọng điểm, thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp.
Trong đó, với lĩnh vực thủy sản: Ưu tiên nghiên cứu công nghệ chọn tạo giống thủy sản kháng bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn cao; nghiên cứu làm chủ công nghệ về sản xuất thức ăn thủy sản, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn thủy sản, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi tuần hoàn nguồn nước, không chất thải; quy trình thu gom, xử lý tái sử dụng nước nuôi khép kín. Ưu tiên nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo các vaccine, chế phẩm thế hệ mới, nguồn gốc thực vật, kiểm soát dịch bệnh không tác động đến sức khỏe con người và môi trường.
Vân Anh