(TSVN) – Đây là thông tin trong báo cáo kết quả nghiên cứu chất thải nhựa do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản trình bày trong hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo do Bộ NN&PTNT phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình đối tác hành động quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức vào ngày 31/5, tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm thúc đẩy các giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp, tập trung vào mô hình thí điểm đã và đang triển khai thực tiễn, giải quyết được vấn đề của địa phương trong cả 3 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đây là một trong hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hưởng ứng kỷ niệm 45 năm Ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật).
Chất thải rắn từ chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Báo cáo kết quả nghiên cứu chất thải nhựa do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thực hiện cho biết, trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm. Rác thải nhựa trong khai thác thủy sản đến từ các hoạt động đánh bắt và từ đóng gói, bảo quản mang đi tiêu thụ.
Tại cảng cá Quy Nhơn, sau hơn hai năm kiểm đếm, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định tính toán trung bình mỗi ngày khoảng 10 tàu cá cập cảng thì xả ra 138 kg chai nhựa, gần 29 kg lon nhôm (vỏ các loại đồ uống, thực phẩm) và khoảng 58 kg bao bì nhựa để chứa đựng, bảo quản hải sản. Trong một tháng, các tàu cá về cập bến tại cảng xả thải ra đại dương hơn 4 tấn nhựa, 0,86 tấn nhôm.
Rác cũng xuất hiện từ hoạt động nuôi trồng trên biển như vật liệu nuôi cá (lưới, phao xốp), nuôi hàu, nuôi ngao (lồng PVC). Việc thu gom xử lý phao xốp rất khó khăn. Người dân thường thu gom nhưng không kéo lên bờ mà vứt xuống biển. Ngoài ra, các địa phương hiện chủ yếu đem vào khu tập kết để đốt.
Ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là rác thải nhựa xuất hiện trong nhiều công đoạn, hội ngành như lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thủy sản. “Nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn thì mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh sẽ khó đạt. Theo tính toán, sau này cứ mỗi tấn cá là một tấn rác thải nhựa”, Thứ trưởng Tiến cho biết.
Ngành nông nghiệp đã đặt mục tiêu từ nay tới năm 2025 các lĩnh vực phải giảm sử dụng tối thiểu 12 – 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại tối thiểu được 60%.
Một số địa phương như Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay, đã thiết kế túi đựng rác, kiểm soát lượng rác thải từ biển vào bờ, thành lập ban quản lý rác thải nhựa từ tàu cá. Nếu thực hiện tốt thì địa phương sẽ giảm khoảng 60 tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống.
Để thực hiện thành công kế hoạch quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp và thủy sản, đại diện UNDP tại Việt Nam đã khuyến nghị – Việt Nam nên đẩy nhanh các giải pháp hiệu quả hướng tới kế hoạch quốc gia.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng; tập huấn người dân và các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa cũng như sự sẵn có của các giải pháp thay thế.
Hải Nam