T4, 17/07/2024 10:08

Khơi dậy tiềm năng làng nghề nước mắm Đức Lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đức Lợi là một xã nằm về phía hạ du của sông Vệ, phía đông giáp với biển. Từ bao đời nay người dân Đức Lợi chủ yếu sống nhờ vào nghề đánh bắt hải sản ven bờ, nghề làm nước mắm. Đến nay, vùng quê nơi đây đã đổi thay đáng kể, đời sống người dân không ngừng nâng lên.

Vùng biển Đức Lợi, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) được thiên nhiên ban tặng không chỉ phong cảnh đẹp mà còn dồi dào tôm cá, đặc biệt là cá cơm, các loại cá ven bờ với vị ngọt và béo đặc trưng. Đây là nguồn nguyên liệu để tạo nên nước mắm truyền thống.

Theo chân cán bộ văn hóa xã hội, chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Hoa (55 tuổi), một trong những hộ làm nước mắm kỳ cựu ở làng biển này. Trong không gian tràn ngập hương vị của mắm truyền thống, chúng tôi nghe bà Hoa say sưa kể nhiều câu chuyện thú vị xung quanh việc làm ra chai nước mắm nguyên chất mà bà được truyền dạy, tích lũy từ mẹ của bà.

Vợ chồng bà Lê Thị Hoa gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống

Bà Hoa không còn nhớ chính xác thời gian gia đình bà bắt đầu làm nghề truyền thống này, nhưng với vợ chồng bà thì đến nay đã gần 40 năm. “Tôi rất mê làm mắm. Năm nào biển bội thu, được mùa cá là gia đình tôi vui lắm, vì có nhiều cá tươi, cá ngon để làm mắm”, bà Hoa chia sẻ.

Bà Hoa cho biết, vào năm 2022, mẹ bà là hộ cận nghèo và được địa phương hỗ trợ cá và muối làm mắm để tiếp tục gìn giữ phát triển nghề truyền thống. Từ đó gia đình bà duy trì nghề giữ sinh kế mang lại thu nhập cho gia đình. Bình quân mỗi năm gia đình bà Hoa bán ra thị trường 1.000 lít nước mắm, với giá 50.000 đồng/lít.

Nước mắm ở xã Đức Lợi được thị trường ưa chuộng

Thực hiện hỗ trợ sinh kế dự án chế biến nước mắm, theo Chương trình mục tiêu quốc gia bền vững xã Đức Lợi đã hỗ trợ muối và cá cho 10 hộ, trong đó có 6 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Gia đình ông Nguyễn Công Đức (72 tuổi), ở thôn An Chuẩn là một trong 10 hộ được hưởng lợi từ dự án cho biết, vợ chồng ông đã gần 50 năm gắn bó với nghề làm nước mắm. Muốn có nước mắm ngon, ngoài bí quyết riêng của mỗi người thì nguyên liệu cá rất quan trọng. Cứ phải là cá của biển mình mới cho ra mùi mắm đặc trưng, thơm lừng. Năm 2022, được địa phương hỗ trợ muối và cá để làm mắm để gia đình phát triển nghề. 

“Cái đậm đà, ngon ngọt của mắm vùng quê Đức Lợi không chỉ xuất phát từ nguyên liệu, mà còn đến từ truyền thống không pha chế, không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, chất tạo màu tạo mùi, không sử dụng đạm tổng hợp, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Nghề này tuy không giàu, nhưng đây là niềm đam mê và nghề đã nuôi sống gia đình tôi”, ông Đức bày tỏ.

Nhờ nghề làm nước mắm truyền thống người dân Đức Lợi phát triển kinh tế gia đình

Ông Nguyễn Cư, Trưởng thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi cho biết, người dân thôn An Chuẩn nói riêng và xã Đức Lợi nói riêng đã phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học nhờ vào nghề mắm truyền thống. Khi phát triển du lịch cộng đồng, du khách đến tham quan nghề mắm truyền thống, sản phẩm làm ra sẽ bán được hơn, đem lại thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho biết, xã Đức Lợi hiện có 300 hộ gia đình làm nghề chế biến mắm, trong đó có 17 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh. Nghề sản xuất nước mắm ở Đức Lợi không chỉ giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, mà còn là “thương hiệu” truyền thống của người dân Đức Lợi. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực giữ nghề của người dân và chính quyền địa phương, năm 2009, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi.

Như Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!