Không có giấy phép khi khai thác thủy sản trên biển có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là quy định mới tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản được Chính phủ ban hành ngày 5/4/2024, có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.

Theo quy định mới tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP, sẽ có nhiều mức phạt khác nhau áp dụng cho các tàu cá khai thác thủy sản trên biển vi phạm hành chính mà chưa đến mức xử lý hình sự. Trong đó, Điều 20 quy định mức phạt với các vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản. Cụ thể:

Theo quy định mới, có nhiều mức phạt hành chính nặng đối với tàu cá vi phạm. Ảnh: TTXVN

Phạt tiền từ 300 – 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sau: 

Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m khai thác thủy sản trên biển không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên để thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản cho tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thuỷ sản hết hạn;

Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên;

Không có hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.

Phạt tiền từ 500 – 700 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m khai thác thủy sản trên biển không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu cá được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

Không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần;

Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

Không ghi nhật ký khai thác thủy sản hoặc ghi không chính xác so với yêu cầu của Tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai quy định của Tổ chức nghề cá khu vực khi hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

Khai thác thủy sản quá hạn mức do tổ chức nghề cá khu vực cấp phép.

Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với một trong các hành vi sau:

Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên khai thác thủy sản trên biển không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;

Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn;

Sử dụng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản hết hạn;

Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực;

Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực;

Khai thác thủy sản không đúng quy định tại vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm;

Khai thác thủy sản quá hạn mức do tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.

Ngoài ra, các tàu cá sẽ phải áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu thủy sản khai thác; Tịch thu tàu cá; Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 tháng đến 1 năm; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 6 tháng đến 1 năm (tùy theo từng trường hợp). Đồng thời, tàu cá bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý thì chủ tàu buộc phải chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam về nước…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!