Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là một quan điểm trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành tại Quyết định 450/QĐ-TTg.

Chiến lược cũng nêu rõ, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật thiên nhiên. Mục tiêu đến năm 2030, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…

Với lĩnh vực nông nghiệp, cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các loại kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh xử lý nước thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các làng nghề. Triển khai áp dụng các mô hình xử lý nước thải phi tập trung đối với những khu vực chưa có điều kiện thu gọm; thúc đẩy tái sử dụng nước thải, bùn thải…

Ngoài ra, cần lồng ghép bảo vệ môi trường làng nghề vào các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho bảo vệ môi trường làng nghề…

Một trong những việc tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên tại Chiến lược này là cần tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước; tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn và loại bỏ các hình thức đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Đẩy mạnh thực hiện đồng quản lý, áp dụng chứng chỉ sinh thái, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt bền vững; đẩy mạnh đầu tư bảo vệ và phát triển các nguồn vốn tự nhiên. Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất rừng, mặt nước, mặt biển.

Ngoài ra, Chiến lược còn nhấn mạnh việc chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!