(TSVN) – Ngoài khơi, mưa lớn mạnh đã lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Trước diễn biến nhanh và nguy hiểm của ATNĐ, đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ thời gian qua và không để tàu thuyền trên biển hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Đây là đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai về các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ vào sáng nay (25/10).
Cũng theo báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (KTTVTƯ), hồi 7 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ vĩ bắc; 114,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 – 50 km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ vĩ bắc; 111,3 độ kinh đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75 km/giờ), giật cấp 10.
Cảnh báo, trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2 – 5 m, biển động rất mạnh.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo KTTV TƯ, đây là cơn bão di chuyển nhanh và suy yếu nhanh, mưa do bão cũng kết thúc nhanh, dự kiến trong ngày 28/10 sẽ kết thúc mưa. Dự báo, mưa trọng tâm từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với lượng mưa phổ biến từ 100 – 300 m. Sau đó, mưa sẽ dịch dần lên phía bắc, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa từ ngày 27 – 30/10, từ 200 – 350 mm, có nơi hơn 400 mm.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện vẫn còn khoảng 194 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Khu vực từ Quảng Bình đến Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi diễn ra nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ cần theo dõi sát diễn biến của ATNĐ.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, hiện đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện/261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận,… đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan của địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với ATNĐ.
Các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn (Quảng Nam 779 hộ/2.535 khẩu; Quảng Ngãi 1.370 hộ/4.541khẩu). Chủ yếu là di dời xen ghép.