(Thủy sản Việt Nam) – Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) là một trong những công cụ hữu hiệu giúp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trực tiếp góp phần làm giảm thiên tai… Ở Việt Nam, đóng góp của Khu DTSQ Cát Bà là rất đáng kể.
Phát triển bền vững
BĐKH kéo theo mực nước biển dâng đang là vấn đề được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Trong các vùng địa lý, đồng bằng ven biển là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của BĐKH mà hệ quả là nước biển dâng. Một trong những giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH cho các vùng đất ven biển là mô hình phát triển bền vững các Khu DTSQ.
Hiện nay, trên thế giới có 504 Khu DTSQ thuộc 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước có nhiều Khu DTSQ nhất là Mỹ (47), Nga (37), Tây Ban Nha (33) và Trung Quốc (26). Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 8 Khu DTSQ là: Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu DTSQ Đồng Nai, Khu DTSQ Cát Bà, Khu DTSQ Châu thổ sông Hồng, Khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, Khu DTSQ Mũi Cà Mau, Khu DTSQ Cù Lao Chàm. Trong đó, Khu DTSQ Cát Bà là một hình mẫu về bảo tồn và phát triển bền vững rừng ngập mặn trên cơ sở cân bằng lợi ích môi trường và lợi ích cộng đồng dân cư xung quanh, góp phần rất lớn trong việc ứng phó với BĐKH.
Tổng diện tích Khu DTSQ Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Khu DTSQ Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Gần 60 loài đã được coi là các loài đặc hữu và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như các loài động vật ác là, quạ khoang, voọc đầu vàng, voọc quần đùi trắng và các loài thực vật như chò đãi, kim giao, lá khôi, lát hoa, dẻ hương, trúc đũa, sến mật… Ngoài ra còn có 8 loài rong, 7 loài động vật đáy cũng cần được bảo vệ.
Đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản – một trong những ngành chịu nhiều áp lực và thiệt hại nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu
Ảnh hưởng của BĐKH
BĐKH đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không những vậy, nó còn là mối đe dọa nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới các ngành trồng trọt, chăn nuôi, du lịch và nuôi trồng thủy, hải sản. Đồng thời nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đến sinh kế và sức khỏe của cả cộng đồng.
Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2009 về Kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam, vào giữa thế kỉ 21 (so với thời kì năm 1980 – 1999), khu vực Đảo Cát Bà sẽ có nhiệt độ tăng lên 1,2oC, lượng mưa tăng từ 3,8%, mực nước biển dâng lên 30cm. Và đến cuối thế kỷ, nhiệt độ ở đây có thể tăng từ 2,5oC, lượng mưa tăng lên khoảng 7,3%, mực nước biển dâng lên 75cm.
BĐKH có tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, cần có những hoạt động tích cực để làm giảm thiểu những ảnh hưởng, tác động của BĐKH.
Cần sự “chung tay” cả cộng đồng
6/8 Khu DTSQ của Việt Nam nằm ở vị trí ven biển, cửa sông – những khu vực đông dân cư và chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH. Chính vì thế, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân đóng vai trò then chốt trong quá trình ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, mức độ tham gia của người dân vào các hoạt động ứng phó với BĐKH do Khu DTSQ và chính quyền khởi xướng còn chưa cao. Bên cạnh đó, hiểu biết của họ về những vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế.
Mới đây, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã phối hợp với Uỷ ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) khởi động Dự án “Khu DTSQ – An ninh kinh tế và môi trường (BREES) thuộc Chương trình Giảm thiểu và Thích ứng với BĐKH khu vực châu Á – Thái Bình Dương” tại Khu DTSQ Cát Bà. Mục tiêu của dự án chính là nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà nhằm ứng phó với BĐKH và xóa đói giảm nghèo. Dự án có 3 hợp phần chính: Phát động Cuộc thi “Phát triển bền vững Khu DTSQ Cát Bà”; Tập huấn cho giáo viên các trường phổ thông về dạy và học vì một tương lai bền vững; Nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH triển khai tại các Trung tâm Học tập cộng đồng trên địa bàn huyện Cát Hải.
Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH cho cộng đồng dân cư tại Khu DTSQ Cát Bà nói riêng và các Khu DTSQ khác nói chung ở Việt Nam.
Hải Đăng