(TSVN) – Sáng 8/9 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU), đã chủ trì Cuộc họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương trọng điểm về khai thác IUU.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, bên cạnh nhưng kết quả đạt được trong hoạt động chống khai thác IUU thì vẫn còn những tồn tại nhất định như: Chưa hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá, đặc biệt là khối tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên; điều này tác động đến công tác quản lý, kiểm soát đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS nếu cố tình tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển, dẫn đến các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Công tác thực thi pháp luật xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường nhưng kết quả xử lý vẫn còn hạn chế so với các vụ việc vi phạm, đặc biệt là xử phạt hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; đề nghị lực lượng chức năng Việt Nam tiếp tục rà soát, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tính đến hiện nay có giảm so cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa vững chắc, vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra các vụ va chạm gây thiệt hại đến tính mạng của ngư dân Việt Nam (gần đây nhất là vụ việc lực lượng chức năng Malaysia bắn chết 1 ngư dân Kiên Giang trong quá trình bắt giữ, xử lý vào ngày 16/8/2020).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp
Nguyên nhân của những tồn tại này là do một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực dẫn đến kết quả còn hạn chế; Công tác tổ chức thực thi, triển khai các quy định liên quan chống khai thác IUU tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên thực tế tại các địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, đồng bộ; Các tổ chức, cá nhân (cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân) chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Về việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, ông Bùi Trọng Thế, Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an cho biết, Bộ đã tiều tra các vụ việc môi giới đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài, đã phát hiện 8 nhóm đối tượng nghi vấn và thời gian tới sẽ làm việc với các cơ quan có liên quan để xử lý.
Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia IUU lần thứ 4 đã bàn luận các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ được “thẻ vàng” của EC
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn phức… Chính vì lâu nay khai thác hải sản quá mức, theo kiểu tận diệt nên dẫn đến bị suy giảm nguồn lợi, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều đó cho thấy cơ cấu ngành thủy sản hiện nay chưa phù hợp, chưa bền vững.
Thời gian tới, 28 tỉnh, thành ven biển cần chủ động đề ra giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, chia sẻ dữ liệu. Kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền, trong đó có công tác xử lý các hành vi vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh truyền thông trong và ngoài nước về hiệu quả công tác chống IUU, tuyên truyền về quy định chống IUU cho ngư dân… Đặc biệt, phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đây là vấn đề quan trọng số 1 trong khuyến nghị của EU và cũng chính là nguy cơ dẫn tới “thẻ đỏ”.
>> “Không tái cơ cấu ngành thủy hải sản, đổi mới nâng cao đời sống người dân thì không xử lý được tận gốc vấn đề đánh bắt trái phép. Với bờ biển dài, ngành nuôi trồng cũng là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam không chỉ trong nội địa mà còn nuôi trồng biển. Tương lai phải hướng đến xây dựng đây là ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ. |