(TSVN) – Khí độc trong ao nuôi luôn là một mối đe dọa lớn đối với tôm khi nuôi thâm canh. Trong đó, Nitrit (NO2) là loại khí có mức độ độc hại không hề kém cạnh khí amoniac (NH3). Tuy nhiên, cũng như NH3, thì loại bỏ NO2 cũng không quá khó khăn.
Khí NO2 là một loại khí độc được sinh ra trong quá trình phân hủy hữu cơ của một số loài vi khuẩn đặc trưng. Cụ thể thì quá trình đó gọi là nitrite hóa do nhóm vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter chuyển hóa amonium (NH4+) thành nitrit và nitrat (NO3). Đây là nhóm vi khuẩn tự dưỡng cần dùng năng lượng thu được từ quá trình nitrit hóa và nitrat hóa này. NO2 rất độc đối với tôm thẻ chân trắng (TTCT). Sự hiện diện của nó có thể gây ra nhiều tác động bất lợi khác nhau, bao gồm cả sự tăng trưởng và phát triển của tôm còi cọc hoặc thậm chí là chết. Nguy cơ nhiễm độc nitrit trong ao nuôi đặc biệt rõ ràng trong giai đoạn đầu của chu kỳ nuôi. Trong giai đoạn đầu này, nồng độ nitrit có thể tăng nhanh và đạt đến mức độc hại nguy hiểm.
Bản thân NO2 ở mức thấp có thể không gây ảnh hưởng lớn cho tôm, nhưng khi hàm lượng NO2 cao hơn mọi chuyện sẽ khác. NO2 kết hợp với Hemocyanin trong máu tôm làm mất khả năng vận chuyển ôxy trong máu từ đó khiến tôm nuôi bị ngạt. Khi tôm bị ngạt mãn tính sẽ yếu, dễ mắc bệnh hoặc chết khi sốc môi trường.
Duy trì hệ thống sục khí giúp đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan, giảm nguy cơ ngộ độc NO2. Ảnh: Shrimpfarm
Một tác hại phổ biến khác là gây rối loạn cân bằng áp suất thẩm thấu (ở những ao nuôi có độ mặn thấp) do NO2 cạnh tranh với ion Cl–. Tôm bị nhiễm NO2 sẽ lột xác không cứng vỏ, tôm chậm lớn, bị tổn thương mang và phù thủng cơ. Hàm lượng NO2 trong ao quá cao, tôm có thể chết hàng loạt hoặc rải rác vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối.
Khi NO2 hiện diện trong nước đến nồng độ cao sẽ khiến tôm bị lờ đờ, sốc, đỏ thân, chậm lớn, tấp mé, bỏ ăn… và nếu không xử lý kịp thời tôm sẽ dễ nhiễm bệnh, nổi đầu và chết.
Mặc dù có mức độ độc hại cao nhưng không có nghĩa là không thể khắc phục được mối đe dọa từ NO2. Một trong những bước quan trọng nhất phải được thực hiện là theo dõi chất lượng nước thường xuyên và giữ cho các thông số khác ở mức tối ưu.
Điều này có thể được thực hiện bằng cách điều chỉnh việc cho ăn, tăng cường lưu thông ôxy và điều chỉnh mật độ thả TTCT để tránh tình trạng quá đông.
Cách đối phó với mối đe dọa của NO2 trong ao nuôi tôm cũng có thể được thực hiện bằng cách bổ sung vi khuẩn khử NO2 vào ao nuôi. Những vi khuẩn này có thể tiêu thụ NO2 và biến chúng thành các chất ít gây hại hơn, chẳng hạn như khí nitơ. Không chỉ vậy, sự hiện diện của vi khuẩn được gọi là Nitrobacter cũng có thể giúp cải thiện chất lượng nước cùng với mức nitrit giảm, đảm bảo an toàn cho sự phát triển của TTCT. Bổ sung chế phẩm vi sinh đều đặn và liên tục trong suốt quá trình nuôi kết hợp với việc quản lý chất lượng nước, thức ăn chặt chẽ có thể kiểm soát được khí độc trong ao nuôi.
Ngoài ra, điều cần thiết là giữ cho ao được thông thoáng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của chu kỳ nuôi. Duy trì hệ thống sục khí giúp đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan duy trì ở mức cao, giảm nguy cơ ngộ độc NO2 và các vấn đề chất lượng nước khác.
Mối đe dọa của NO2 đối với TTCT có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu ao không được trang bị hệ thống xử lý chất thải. Do đó, thực hành quản lý và vệ sinh ao tốt là điều cần thiết, bao gồm loại bỏ chất thải hữu cơ thường xuyên và duy trì sục khí cho ao.
Thả ghép cá rô phi với tôm trong ao. Cá có thể tiêu hóa tảo trong đó có tảo sợi và thực vật lớn nhờ vào nhiều răng mịn ở hầu. Cá rô phi có thể tiêu hóa 30 – 60% đạm trong tảo, đặc biệt là các loại tảo lam, tảo lục, làm giảm sinh khối của loài tảo này. Mặt khác, nước trước khi cấp vào ao nuôi phải được xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn như Chlorine, BKC, Virkon… để giảm hợp chất hữu cơ trong nước.
Hoàng Yến