Kiên Giang chú trọng nuôi tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm của Kiên Giang sẽ đạt 88.500 ha, trong đó 20.000 ha nuôi tôm công nghiệp; xây dựng 5 vùng nuôi thủy sản; quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh tại hai huyện Giồng Riềng, Gò Quao.

Phát huy ưu điểm tôm – lúa

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) Kiên Giang cho biết: Đến hết tháng 10/2012, toàn tỉnh có diện tích thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 86.494 ha (riêng TTCT 1.050 ha). Tôm sú được nuôi chủ yếu tại các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao, với diện tích 78.675 ha. Nuôi nhiều tôm sú và TTCT là các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành) và TX Hà Tiên.

Với quy mô sản xuất hiện nay, mỗi năm tỉnh cần khoảng 4,5 tỷ con giống, trong đó 80% nhập từ tỉnh khác.

Năm 2013, Kiên Giang sẽ mở rộng diện tích tôm – lúa từ 500 lên 10.000 ha – Ảnh: Trần Út

Song song các hình thức nuôi khác, tỉnh còn kết hợp mô hình nuôi tôm lúa với 68.320 ha thả nuôi và QCCT là 16.818 ha. Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mô hình tôm – lúa là cách tốt giúp thích nghi biến đổi khí hậu, rất phù hợp vùng ven biển, nhất là vùng đất nhiễm mặn, tiết kiệm kinh phí cho người nuôi và giảm được dịch bệnh trên tôm. So với hình thức nuôi khác, nuôi tôm – lúa mức độ an toàn cao, ít lây lan hơn, giúp tăng thu nhập hơn so với trồng lúa, so với nuôi quảng canh cải tiến và nuôi thâm canh. Tuy nhiên, khi đưa nước mặn vào nuôi tôm một thời gian, nếu không cải tạo tốt sẽ phá vỡ hệ thống, đất bị nhiễm mặn hoàn toàn.

 

Dập dịch bệnh và đầu tư thủy lợi

Từ đầu năm, dịch bệnh xảy ra trên toàn tỉnh, làm diện tích nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại 207,5 ha. Tại các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, Gò Quao có 7.624,5 ha bị thiệt hại do biến động môi trường.

Theo ông Thanh, tôm chết do thời tiết bất thường, môi trường nguồn nước biến động mạnh, nhất là nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá lớn; tôm chết có dấu hiệu nhiễm bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy, một số ao chưa xác định rõ nguyên nhân.

Để giải quyết những khó khăn trên, Chi cục NTTS cho biết: Bà con tiếp tục chọn con giống sạch bệnh, chất lượng tốt và qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, nguồn gốc rõ ràng để thả nuôi. Tập trung quản lý, kiểm soát ao nuôi tôm có dịch bệnh, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý nguồn nước trước khi xả ra môi trường nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các chỉ tiêu khi xử lý môi trường trong quá trình canh tác, hoàn chỉnh quy trình báo cáo Bộ KH&CN sớm và chuyển giao lại cho địa phương.

Ông Thanh cho biết thêm: Sản lượng tôm nuôi đạt thấp hơn cùng kỳ năm ngoái do diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong các tháng 4, 5, 6 vừa qua; tỉnh đã thả nuôi lại, sản lượng có thể tăng một phần do thu vét trong tháng 11. Tuy nhiên, nhiều khả năng chỉ tiêu sản lượng tôm nuôi năm 2012 sẽ không đạt, nhất là nuôi tôm công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Năm tới, tỉnh sẽ mở rộng diện tích từ 500 lên 10.000 ha, phát triển lành mạnh nuôi tôm sú và TTCT, trong đó tập trung nuôi công nghiệp khi phát triển nuôi tôm lúa ở U Minh Thượng (nếu khí hậu biến đổi, nước biển dâng sâu, sẽ mở rộng hơn).

Bên cạnh đó, Chi cục NTTS cùng Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm dịch tôm giống tại các huyện Châu Thành, Vĩnh Thuận, Gò Quao và các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong 10 tháng đã kiểm dịch nhập tỉnh 1.856,645 triệu PL; kiểm dịch xuất trại 70,52 triệu PL tôm sú giống, 363,889 triệu PL TTCT giống, 3.114 con tôm sú bố mẹ, 700.000 con tôm càng xanh giống.

Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Giống Thủy sản Phú Quốc; đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi Vàm Răng – Ba Hòn; xây dựng đường giao thông và hệ thống lưới điện quốc gia đến các vùng nuôi tôm trọng điểm. Các ngành chuyên môn của tỉnh cũng đang hướng dẫn doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp thực hiện quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP), GlobalGAP…

>> Khó khăn, trăn trở của tỉnh Kiên giang hiện nay là điều kiện cần và đủ (như vốn, cơ chế, chính sách…) để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nuôi.

Dương Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!