T6, 08/04/2022 12:07

Kiên Giang: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là ý kiến đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và chủ trì hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xác định thế mạnh 

Kiên Giang được coi là vùng đất có “rừng vàng biển bạc”, tỉnh có bờ biển dài trên 200 km, có nhiều sông núi và hải đảo rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản.

Trong kế hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh nêu rõ quan điểm là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cùng đó, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm; đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ. Khuyến khích phát triển những nghề có tính chọn lọc cao; đồng thời nghiêm cấm những hình thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và không khai báo theo quy định (IUU). Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU.

Tháo gỡ vướng mắc 

Sau buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Kiên Giang có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, có truyền thống yêu nước, kiên cường, anh dũng, tinh thần tương ái và mến khách, có đầy đủ yếu tố để trở thành tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh COVID-19 nhưng kinh tế của Kiên Giang vẫn thuộc nhóm 6 tỉnh vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng phát triển của tỉnh chưa tương xứng, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; an ninh, trật tự tiềm ẩn diễn biến phức tạp; tỉnh trạng tàu cá của ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép tuy đã giảm nhưng chưa chấm dứt triệt để.

Để tháo gỡ những tồn tại này, một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Thủ tướng đặt ra cho tỉnh trong thời gian tới là quy hoạch nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện chuyển đổi số; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, xây dựng thương hiệu các sản phẩm; kiểm soát và chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp để khắc phục thẻ vàng IUU.

Cùng đó, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế không gian biển để đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển.

Đối với kiến nghị đề xuất của tỉnh trong lĩnh vực thủy sản, nhất là về cơ chế khoanh nợ tàu khai thác thủy sản chờ chuyển đổi ngành nghề, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của tỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP trong quý 2/2022. Cùng đó, về kiến nghị việc ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản sang các ngành, nghề khác, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT khẩn trương trình “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường hệ sinh thái” lên Thủ tướng trong quý 2 tới đây. 

Về việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo Đề án “Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030”; việc địa phương được quyết định giao khu vực biển thuộc phạm vi nằm ngoài vùng biển 6 hải lý: Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình chính phủ xem xét, ban hành trong quý 2/2022. Nội dung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng không phải lấy ý kiến các bộ, ngành nhiều lần khi giao khu vực biển để thực hiện từng dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản riêng lẻ; Còn việc giao khu vực biển trong trường hợp các dự án vừa có phạm vi nằm trong 6 hải lý và có phạm vi nằm ngoài 6 hải lý đã được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!