Kiên Giang: Giá lươn giảm, người nuôi gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước đây, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng ở Kiên Giang từng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhờ giá bán lươn thịt cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá lươn giảm mạnh khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Từ giữa năm 2022, giá lươn thịt tại Kiên Giang bắt đầu giảm mạnh, hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm đầu năm 2022 ở mức 90.000 đồng/kg. Để nuôi được 1 kg lươn thương phẩm, người nuôi bỏ ra tiền con giống, thuốc thủy sản, thức ăn, tiền điện, nước khoảng 75.000 – 80.000 đồng. Vì vậy, với giá lươn thịt 90.000 đồng trong 2 năm qua, người nuôi chỉ lời một ít, hoặc thậm chí lỗ vốn nếu như nuôi đạt tỷ lệ dưới 70%.

Trong khi giá lươn giảm, giá thức ăn lại liên tục tăng khiến người nuôi khó có lời. Giá thức ăn viên dành cho lươn có độ đạm cao mỗi bao 25 kg trên thị trường hiện có giá 740.000 đồng/bao, tăng gần hơn 150.000 đồng/bao so với đầu năm 2023. Nhiều hộ nuôi đã giảm quy mô, thậm chí có hộ phải bỏ nuôi vì thua lỗ.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân là do nhiều người dân trong tỉnh cùng lúc áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, dẫn đến nguồn cung dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Đồng thời, thị trường xuất khẩu lươn thịt gặp khó khăn, chủ yếu vẫn là tiêu thụ nội địa.

Để gỡ khó cho thị trường lươn thương phẩm cần có sự nỗ lực của các ngành chức năng để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho lươn thịt, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Hình thành các tổ hợp tác, hiệp hội nuôi lươn để liên kết với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng lươn thịt. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ lươn như lươn sấy, lươn om, lươn kho tộ,… để tăng thêm giá trị cho sản phẩm.

Mặc dù thời gian qua, giá lươn giảm khiến người nuôi khó khăn nhưng mô hình nuôi lươn không bùn vẫn có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể tận dụng tối ưu diện tích sẵn có. Nhu cầu tiêu thụ lươn thịt trong nước vẫn còn cao. Với những giải pháp phù hợp, mô hình nuôi lươn không bùn hoàn toàn có thể phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Tuệ Lâm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!