Trong buổi làm việc mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về công tác chống khai thác IUU và các quy định của pháp luật nhất là các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho thấy, đến hết tháng 10/2019, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 75,9% với tổng số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên và 90% tổng số tàu cá chiều dài từ 24 m trở lên. Chi cục cũng đã xây dựng và đang áp dụng Quy trình giám sát, xử lý tàu cá mất kết nối với hệ thống và Quy trình xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống giám sát tàu cá Kiên Giang. Thực hiện việc giám sát hàng ngày các tàu cá hoạt động khai thác trên biển và điện thoại nhắc nhở các chủ tàu cá yêu cầu các thuyền trưởng đưa tàu cá quay về khi hoạt động vượt ranh giới của vùng biển Việt Nam, hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình.
Thiết bị giám sát hành trình giúp dễ dàng kiểm soát hoạt động khai thác của các tàu cá trên biển
Được biết, để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã giao ngành nông nghiệp chủ trì phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các địa phương, Hội Nghề cá, Ban Quản lý Cảng cá, bến cá tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện ra vào, đảm bảo thủ tục về truy xuất nguồn gốc để đón đoàn kiểm tra của EC; tăng cường các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành đề án cơ cấu lại ngành thủy sản, có giải pháp nâng chất lượng thủy sản khai thác; đồng thời, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề cào đôi sang ngành nghề khác; cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường xử lý ngay, thậm chí lập chuyên án triệt phá, xử lý các trường hợp cào bờ, xiệp mé, sử dụng chất nổ trên biển để đánh bắt hải sản.