Tại Kiên Giang, Đề án được triển khai tại 58 xã, phường thuộc 9 huyện, thị, thành phố (TP Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, Phú Quốc, Kiên Hải).
Kiên Giang là tỉnh có nhiều vùng đặc thù địa lý khác nhau, có vùng đồng bằng, vùng rừng núi, vùng biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc Khmer, một số nơi việc đi lại, rất khó khăn, nhất là những xã, đảo vào mùa mưa. Cán bộ làm công tác y tế, dân số, trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm để thực hiện chẩn đoán chăm sóc SKSS một số địa bàn còn thiếu. Với mục tiêu đưa dịch vụ DS – KHHGĐ, chăm sóc SKSS, đến mọi người dân tại 9 huyện, thị, thành phố triển khai, Đề án đã thành lập 9 đội dịch vụ KHHGĐ lưu động, phục vụ tại địa bàn các xã trong huyện, nhất là trong 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ DS – KHHGĐ hằng năm. Qua 5 năm thực hiện, số người được các đội lưu động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại xã là 102.991 người, có 194.666 người được tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, số người được phát hiện mắc và điều trị phụ khoa là 53.133 người. Số người được cung cấp dịch vụ chăm sóc BMTE/KHHGĐ quân dân y kết hợp là 2.296 người…
Ở tuyến tỉnh, đã thành lập 2 đội dịch vụ KHHGĐ và kỹ thuật cao (thuộc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ KHHGĐ, Chi cục Dân số, và Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh), nhằm tăng cường cho các địa phương khi có nhu cầu về siêu âm, soi tươi, khám thai, siêu âm chẩn đoán bệnh lý, đặt vòng, tư vấn KHHGĐ.
Để nâng cao năng lực cho đội lưu động các huyện, thị và 2 Trung tâm, Ban quản lý đề án tỉnh, phối hợp với Trung tâm Y tế 9 huyện, thị, triển khai Đề án tổ chức khảo sát, kiểm tra cơ sở vật chất của 58 Trạm Y tế và 2 Trung tâm về thực hiện cung cấp dịch vụ lưu động theo chuẩn của Bộ Y tế. Tổ chức các cuộc hội thảo giữa Ban quản lý Đề án tỉnh với Ban quản lý Đề án các huyện, thị, thành phố, đại diện các đội y tế lưu động, cán bộ Trạm Y tế. Phối hợp với khoa sản bệnh viện. Trung tâm chăm sóc SKSS, tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho các huyện, thị, xã, phường về kiến thức quản lý nghiệp vụ, kiến thức thực hành, quy trình thực hiện chuẩn quốc gia về dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Đến nay, nhiều địa phương thực hiện Đề án đã duy trì tốt các hoạt động mô hình, Câu lạc bộ như thị xã Hà Tiên có 70 Câu lạc bộ ” Phụ nữ với SKSS” tập hợp được gần 3.000 phụ nữ tham gia. Huyện Phú Quốc, có 150 Câu lạc bộ “Gia đình ngư dân thực hiện tốt chính sách DS – KHHGĐ”, huyện Kiên Lương có 120 Câu lạc bộ “Gia đình ngư dân hạnh phúc”. Mô hình cung cấp thông tin, tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ dựa vào cơ sở y tế quân dân y, phối hợp với các đồn biên phòng ở huyện Phú Quốc, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải. Mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước và sau sinh thực hiện tại các huyện An Biên, An Minh, TP Rạch Giá, Hòn Đất. Các hoạt động này giúp cho công tác dân số các xã đảo, xã ven biển, luôn hoàn thành chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai trong các đợt chiến dịch và chỉ tiêu năm, nhất là chỉ tiêu đình sản nam tăng cao. Nhận thức việc KHHGĐ và chăm sóc SKSS của đồng bào dân tộc Khmer vùng ven biển đã được thuận lợi, nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc đã chấp nhận siêu âm chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến SKSS.