Mưa lũ kéo dài khiến pH của nước giảm nhanh, hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nhiệt độ nước thấp, độ mặn giảm đột ngột,… Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bắt mồi, tiêu hóa thức ăn, lột vỏ, hô hấp, phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi tôm cần chú ý theo dõi và có giải pháp xử lý kịp thời.
Điều chỉnh môi trường
Rải vôi CaO xung quanh bờ ao để duy trì pH trong lúc trời đang mưa hoặc đắp bờ cao ngăn chặn nước mưa chảy xuống ao (vì điều này có thể gây xáo trộn và tăng độ đục nước ao).
Tháo lớp nước bề mặt, bón khoáng, vôi vào ao khi mưa kéo dài để duy trì hàm lượng khoáng, ổn định độ kiềm giúp tôm lột xác. Vôi CaCO3 sẽ giúp duy trì độ kiềm, trong khi đó vôi CaO sẽ giúp giữ pH thích hợp, nâng pH lên cao sẽ hạn chế độ độc của khí độc H2S (H2S sẽ cực độc ở pH = 5 và mất tính độc ở pH = 10). Người nuôi cần phải chú ý kiểm soát pH nước ao trong suốt mùa mưa.
Rải vôi CaO xung quanh bờ ao để duy trì độ pH – Ảnh: Phan Thanh Cường
Phải duy trì hoạt động của tất cả máy quạt nước khi trời đang mưa. Quạt nước giúp khuếch tán ôxy vào nước, tạo dòng chảy để thu gom chất thải hữu cơ vào giữa ao, giảm sự phân tầng nước, đồng thời tạo ra một khu vực sạch đủ rộng để tôm ăn, hoạt động và khu vực chất thải được tách biệt nên nếu có gió mạnh thổi vào ao thì ảnh hưởng của khu vực chất thải ít hơn so với trường hợp chất thải phân tán khắp nền đáy ao. Luôn duy trì quạt nước và kiểm tra hàm lượng ôxy trong ao, bảo đảm hàm lượng ôxy hòa tan = 4 mg/l.
Điều chỉnh chế độ ăn
Hàm lượng ôxy hoà tan và nhiệt độ nước là hai yếu tố chính cần được quan tâm. Tôm giảm ăn khi hàm lượng ôxy hoà tan thấp hơn 4 ppm và ngưng ăn khi thấp hơn 2 ppm. Cách tốt nhất nên cắt giảm lượng thức ăn cho dù thức ăn trong nhá (vó/sàn) đã hết khi kiểm tra. Thông thường ở 180C, tôm vẫn có thể bắt mồi nếu nhiệt độ giảm xuống từ từ hoặc đây là nhiệt độ hằng ngày trong mùa lạnh và lượng thức ăn chỉ khoảng 10 – 20% so với nhu cầu bình thường. Tuy nhiên, khi nhiệt độ giảm đột ngột từ mức thích hợp 28 – 300C xuống 220C, tôm sẽ ngừng ăn hoàn toàn. Mỗi khi nhiệt độ giảm đi khoảng 20C thì lượng thức ăn giảm khoảng 30%. Nên kiểm tra nhiệt độ nước trong ao trước khi cho tôm ăn.
Khi mưa kéo dài nhiều ngày, người nuôi cần phải đảm bảo thức ăn cho vào ao được tôm ăn hết. Có thể ngưng cho tôm ăn khi trời đang mưa. Nếu không, khi mưa chấm dứt và nhiệt độ tăng lên, lượng thức ăn còn thừa sẽ phân hủy nhanh tạo nhiều khí độc trong ao.
Theo thực tế, nếu hàm lượng ôxy hoà tan và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì trong điều kiện có thể, cần chờ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao ít nhất 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày. Lúc này hàm lượng ôxy hoà tan là lý tưởng nhất; Mỗi lần có gió lạnh tràn về, người nuôi cần kiểm tra xem tôm có sẵn sàng bắt mồi chưa trước khi cho ăn; vào buổi sáng trước khi cho tôm ăn, người nuôi cần phải biết khi nào tôm sẵn sàng bắt mồi bằng cách cho khoảng 200g thức ăn vào trong nhá (sàn/vó) và đợi trong 20- 30 phút. Nếu trong nhá hết thức ăn, khi đó người nuôi có thể bắt đầu cho tôm ăn.