Kỳ 4: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Biển Đông

Chưa có đánh giá về bài viết

1. Phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Indonesia – Do quan điểm vận dụng nguyên tắc phân định biển và điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải khác nhau nên giữa Indonesia và Việt Nam tồn tại một vùng chồng lấn khoảng 98.000 km2, hai bên mong muốn có một vùng biển hòa bình, ranh giới được phân định rõ ràng; qua nhiều vòng đàm phán, ngày 26/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia đã được ký kết.

>> Kỳ 3: Phân định ranh giới biển Việt Nam với các nước khu vực Vịnh Bắc bộ và khu vực biển Tây Nam bộ 

>> Kỳ 2: Một số điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển 

>> Kỳ 1: Một số quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển  


Đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia

Đường phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia

Đây là hiệp định chỉ giải quyết một vấn đề phân định thềm lục địa, Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày 29/5/2007. Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam – Indonesia đã tạo thuận lợi cho hai nước thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán, quản lý và khai thác phần thềm lục địa của mình.

Hiện nay, Việt Nam và Indonesia đang tổ chức đàm phán cấp chuyên viên về phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Hai bên thảo luận các phương pháp phân định Vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai đoàn đàm phán hy vọng kết quả đàm phán sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và xác định được đường phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của mổi nước tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản trên vùng biển của mình.

2. Phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Malaysia

Thỏa thuận Việt Nam - Malaysia

Thỏa thuận Việt Nam – Malaysia

Trên thực tế, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trên thềm lục địa của hai nước rộng khoảng 2.800 km2. Khu vực này nằm ở cửa vịnh Thái Lan có độ sâu nhỏ, trung bình khoảng 50 m, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng.

Ngày 5/6/1992 tại Kuala Lumpur, Việt Nam và Malaysia đã ký Văn bản thỏa thuận hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn, chính thức xác nhận tọa độ khu vực chồng lấn theo đường ranh giới thềm lục địa.

Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc.

3. Phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Philippines

Cho đến nay, giữa Việt Nam và Philippines chưa có hiệp định hay thỏa thuận phân định ranh giới biển giữa hai nước.

Ngày 26/10/2010, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III trong chuyến thăm Nhà nước Việt Nam. Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực Biển Đông. Hai nước tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nguyên tắc của luật biển quốc tế và những quy định của Luật Biển 1982 và biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền về biển, đảo ở khu vực.

4. Vùng biển giữa Việt Nam và Brunei

Hai nước chưa có Hiệp định phân định ranh giới hay bản thỏa thuận hợp tác.

Chủ quyền và biên giới quốc gia là một trong những vấn đề trọng yếu, là mối quan tâm hàng đầu của mọi dân tộc.
Các quốc gia ven biển nằm đối diện hay kế cận nhau, khi xác định phạm vi các cùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tùy theo khoảng cách bờ biển của các nước nằm đối diện hay kế cận nhau đã tạo ra vùng nội thủy chồng lấn, vùng lãnh hải chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và vùng thềm lục địa chồng lấn.
Việc phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan là một vấn đề hết sức quan trọng và thiêng liêng vì nó liên quan đến chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, đến lợi ích quốc gia. Việc phân định đòi hỏi phải áp dụng chặt chẽ pháp luật và thực tiễn quốc tế trong điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên cụ thể, mỗi quốc gia vừa phải bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình; đồng thời, phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng được pháp luật và thực tiễn quốc tế thừa nhận của các quốc gia láng giềng. Việc giải quyết tốt đẹp về kế hoạch phân định ranh giới biên giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia liên quan vừa là sự quán triệt và thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề biên giới với các quốc gia láng giềng, vừa đàm phán giải quyết trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh khách quan nhằm đạt được một giải pháp công bằng các bên đều chấp nhận được. Kết quả đàm phán đã giúp từng bước xác định rõ phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và quản lý, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng, giảm nguy cơ tranh chấp xung đột, giữ gìn hòa bình và ổn định trên vùng biển chung quanh của đất nước.
Việc phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan còn có ý nghĩa quan trọng trong quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép.

Hoàng Yên - Thu Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!