T2, 06/07/2020 10:00

Kỳ bí cá hô huyền thoại

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ở Đồng Tháp, từ đầu thế kỷ trước đã hình thành một nghề độc đáo: Săn bắt cá hô – một loài cá khổng lồ ẩn chứa rất nhiều điều kỳ bí. Thời đó cho đến mãi sau này, dân thương hồ khi bắt đầu một chuyến hành trình trên dòng sông Tiền, đều lâm râm khấn vái “ông cá hô”, bởi dòng sông rộng, sóng lớn, gió mạnh và nhiều vực xoáy.

Ký ức của một “nguyên soái”

Tới nay vẫn chưa biết con cá hô lớn nhất ở Đồng Tháp nặng bao nhiêu, nhưng đã có người bắt được con nặng bốn, năm trăm ký. Các “nguyên soái” – biệt danh của người đời gán cho những lão ngư dày dạn kinh nghiệm săn cá hô cho biết, thường, cá hô có kích cỡ từ 150 – 300 kg, con nhỏ nhất cũng có trọng lượng hàng yến. Có con cái, chỉ riêng buồng trứng đã nặng tới 20 kg. “Cá hô là loại cá trắng, vảy bạc, ngon, hiếm. Tuy to xác nhưng cá hô rất hiền, lên ngớp nơi nào là lặn xuống nơi ấy há miệng hứng các sinh vật phù du trong nước. Thợ giăng lưới thường “soi” theo dấu cá ngớp bủa lưới, tưởng đâu cá ngần ấy ký vùng vẫy, chiếc xuồng câu nhỏ bé ắt phải chìm, nhưng cá mắc lưới cứ nằm yên để người ta đưa vào bờ…” – lão ngư Ba Oanh, người được mệnh danh “vua cá hô” ở xứ Cao Lãnh kể về một trong những “đặc điểm lạ” của cá hô. Theo “vua cá hô”, cứ mỗi mùa nước đổ, loài cá này lại “rủ nhau” xuôi dòng “Nam tiến”, nhưng thật kỳ lạ, chỉ đến địa phận Đồng Tháp thì chúng quay lại. “Thịt cá hô thơm ngon, ngọt, nấu canh chua cứ là vô địch thiên hạ. Hồi tui còn trẻ, ở các chợ ven sông Tiền hôm nào có cá hô, chỉ vài tiếng sau là hết sạch, dù giá không hề rẻ, thường gấp đôi, gấp ba giá thịt heo. Riêng một số người Hoa không dám ăn cá hô, nói rằng, đó là “cá hóa long” – lão ngư Ba Oanh tiết lộ thêm.

“Thợ săn” cá hô ở xã Bình Thạnh đang “dìu” một chú cá hô cỡ nhỏ vào bờ (tháng 8/2009)

“Nghe đồn ở thị xã Sa Đéc khi xưa, nhiều gia đình giàu lên từ nghề ăn cá hô?” – chúng tôi hỏi, ông Ba Oanh lắc đầu: “Nghề này hên xui nhằm mùa. Có khi giăng cả tháng không được con nào nhưng có khi chỉ một tuần bắt được năm, sáu con, mỗi con trị giá cả lượng vàng. Nhưng cái nghề “đâm hà bá” này không có hậu. Làm thì cũng có năm “vô mánh” cả chục cây vàng đó, nhưng tui chưa thấy ai giàu lên nhờ nghề này. Có người còn gặp quả báo lâm nạn…”.

Theo trí nhớ của ông Ba Oanh, khoảng hai, ba chục năm về trước, cá hô vẫn còn nhiều, lại to nên các “nguyên soái” thường dùng lưới quàng. Lưới quàng vốn lớn, cả chục lượng vàng một giàn. Dạo này cá hiếm, lại nhỏ nên ngư dân thường dùng lưới cấm, vốn nhỏ, mỗi tay chỉ dài trên dưới 100 mét. Với ông Ba Oanh, dịp săn cá hô “vượng” nhất là mùa nước những năm 1990-1994. Thời gian này, mỗi mùa, ông săn được cả chục con. Có lần, tại nơi giăng lưới của ông, có một con cá hô mắc lưới. “Hắn” hiền khô, vào lưới mà không hề quẫy, đạp. Ông bèn kêu hai cậu con thu lưới đưa cá lên bờ. Con cá nặng tạ rưỡi, dài khoảng 2 mét, đường kính khúc bụng khoảng 8 tấc, lưng dày hơn 4 tấc, mang ra chợ bán được ngót hai lượng vàng. Những năm đó, cá hô về nhiều, có khi có cả hàng đàn cá hô gần 30 con mắc lưới được đem ra chợ “phanh thây” làm mồi đặc sản cho dân nhậu.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, lượng cá hô cứ ít dần, có người giăng lưới cả năm mà không được con nào. Với giọng buồn buồn, lão ngư Ba Oanh tâm sự: “Gần đây nhất, mùa nước năm 2001, tui giăng lưới được con cá hô 250 kg. Hai vợ chồng tui thấy con cá quá lớn nên đem nhang đèn ra cúng vái và rải gạo muối xuống sông. Lúc ấy khoảng 6 giờ chiều, trời nhập nhòa tối, gió sông thổi lồng lộng. Biết đâu là con cá lớn cuối cùng của dòng sông ở thế kỷ này, nên hai vợ chồng sửa lễ tạ dòng sông. Từ đó, tôi đoạn tuyệt luôn với cái nghề mà mình đã từng theo đuổi mấy chục năm…”.

 

“Của thiên trả địa”

 Dân săn cá hô đa số đều nghèo. Ngày trước săn cá hô làm chơi ăn thật, thỉnh thoảng săn được cá có số tiền lớn ai cũng xài xả láng, đến khi cá hiếm như hiện nay, đại đa số phải giải nghệ lên bờ tìm việc khác. Trước đây, ở Đồng Tháp có hàng trăm “nguyên soái” chuyên nghề săn cá hô, nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết trong số này đều xem nghề săn cá hô như nghề phụ, sống chủ yếu nhờ ruộng rẫy hay buôn bán.

Con cá hô người dân bắt được ở sông Tiền tháng 11/2008 – Ảnh: Lâm Tường

“Qua rồi cái thời hoàng kim cá tôm đầy ắp sông rạch. Ngày nay, người đông của khó, lại sinh ra những kiểu ăn uống lạ lẫm khiến người ta đua nhau “phát huy sáng kiến” phá hủy môi trường sinh thái như rà điện khiến cá mẹ lẫn cá con đều bị hốt trọn. Góp phần làm ô nhiễm dòng sông còn có bao chất độc hại từ ruộng đồng chảy ra, lại thêm ghe cộ, xăng dầu, tiếng động cơ ồn ào. Cá bỏ sông đi về đâu hay lần lần tuyệt chủng ai hay biết. Chỉ biết rằng, cá hô cũng biệt tăm kể từ khi người ta vinh danh nó là “siêu cá”, thường được bán với giá siêu đắt ở các nhà hàng, thậm chí còn được xuất khẩu qua các tửu điếm sang trọng ở Hồng Kông, Ma Cao…” – lão ngư Hai Hoanh, một “nguyên soái” từng có một thời tung hoành oanh liệt trên sóng nước sông Tiền tỏ nỗi tiếc nuối.

Thế nhưng, theo ông Hai Hoanh, dù cái nghề đánh bắt cá hô theo nghĩa nguyên thủy trên thực tế còn rất ít người theo, nhưng việc săn bắt cá hô theo kiểu phong trào thì vẫn còn “sôi nổi”. Đơn giản vì giá cá hô bây giờ rất đắt, thường được thương lái thu mua từ 300 – 500 ngàn đồng/ký. Nói cá hô hiếm không có nghĩa là hoàn toàn biến mất. Ở Đồng Tháp và An Giang, cứ lâu lâu lại rộ tin đồn có người bắt được cá hô. “Mới tháng trước, ở chợ Long Xuyên (An Giang) một tiểu thương mua được con cá hô đen nặng 120 kg của một ngư dân kéo lưới bắt dính dưới sông Vàm Nao ở huyện Phú Tân với giá trên 40 triệu đồng” – ông Hai Hoanh cho biết – “Tui đưa ra ví dụ trên là ý muốn nói, dù đã có lệnh cấm từ năm 2001, nhưng người ta vẫn tìm cách săn bắt cá hô. Thế hệ các “nguyên soái” như lứa tui bây giờ đã “rửa tay gác kiếm” và cái nghề “đâm hà bá” cũng lui dần vào dĩ vãng. Thế nhưng dù không phải là thợ săn cá hô chuyên nghiệp, nhiều ngư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn hàng ngày, hàng giờ “để mắt” đến cá hô. Nghe con cháu tui kể, mới tháng trước, một người dân ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đóng đáy được con cá hô nặng 29 kg, bán được gần 10 triệu đồng…”.

Đem sự “lăn tăn” của lão ngư Hai Hoanh đến tâm sự với anh N.V.Q, là một trong những “sát thủ thế hệ mới” của nghề săn bắt cá hô ở xã Tịnh Thới, huyện Cao Lãnh, thì anh thú nhận: Thỉnh thoảng lắm, trong lúc thả lưới, tui cũng dính được cá hô. Mùa nước năm rồi, tui bắt được một con chừng 8 kg, bán cũng được một khoản khá. Biết là Nhà nước cấm, nhưng nhà nghèo, bỗng dưng được “của trời cho” nên không đành thả xuống…

>> “Cũng như tôi, nhiều người khác biết Nhà nước cấm săn bắt cá hô, lại còn có biện pháp thả cá hô giống xuống sông rạch nhằm bảo tồn giống cá quý, song giữa mênh mông trời nước, chỉ có mình và trời, đất biết nên đành chặc lưỡi cho qua”, anh Q. nói.

Hưng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!