T2, 06/07/2020 10:53

Kỳ thú loài tôm lạ

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm krill tuy nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của đại dương và tập trung với số lượng lớn nhất ở vùng biển Nam Cực. Việc khai thác quá mức tôm krill không chỉ làm suy giảm nghiêm trong sự đa dạng sinh học đại dương, mà còn ảnh hưởng đến số lượng cá biển và ngành công nghiệp đánh cá trên thế giới.

Đóng vai trò quan trọng

Krill trôi nổi nhờ động lực của dòng nước, dùng những chân bơi có hình dạng giống như những sợi lông để điều chỉnh hướng đi và lọc thức ăn từ nước biển, cũng như ăn các loài tảo trong băng vào các tháng mùa đông và mùa xuân.

Mặc dù từng cá thể tôm krill nhỏ bé, không có gì ấn tượng và dễ bị tổn thương trong môi trường đại dương nguy hiểm, nhiều kẻ săn mồi, nhưng đàn tôm krill khổng lồ lại là cầu nối quan trọng trong chuỗi thực phẩm biển, chuyển những tế bào sinh vật phù du thành năng lượng phù hợp cho nhiều loài động vật dựa vào chúng để tồn tại. Danh sách những động vật như vậy là rất đáng kể, từ những loài cá nhỏ bé, các loài chim biển, tới loài cá lớn nhất còn tồn tại hiện nay trên trái đất: cá voi xanh. Loài cá khổng lồ này có thể ăn 2.500 kg krill mỗi ngày.

Tôm krill không chỉ có chức năng sinh thái trong chuỗi thức ăn ở Nam Cực mà chúng còn có vai trò quan trọng đối với khí hậu toàn cầu. Chúng mang khối lượng  lớn cacbon trong các sinh vật phù du trên mặt nước xuống lớp nước sâu và tạo ra sự khác biệt về vật chất giữa khí quyển và biển. Vào ban đêm, sau khi nổi lên trên bề mặt để ăn, loài  giáp xác bé xíu này lại trượt sâu xuống nước và tạo ra một chiếc dù khổng lồ. Chất thải của chúng cùng cacbon chìm xuống đáy biển. Nếu vi khuẩn phân hủy vi tảo trong những lớp nước bên trên, ôxít cacbon có thể quay trở lại khí quyển. Nhưng vì “cái dù giáp xác” chìm xuống dưới đáy trước khi bài tiết, nên cacbon bị chìm sâu xuống đáy đại dương. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tổng khối lượng cacbon được đưa xuống đáy biển theo cách này tương đương lượng khí thải của 35 triệu chiếc xe hơi, và tôm krill được cho là có vai trò quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu của thế giới.

 

Cần được bảo vệ

Những thay đổi dài hạn như hiện tượng trái đất ấm lên hay lỗ thủng tầng ôzôn có thể có hại đối với loài tôm krill bé nhỏ này. Vành đai băng ở Nam Cực quyết định sự sống còn của chúng trong mùa đông. Lớp băng càng mở rộng, càng có nhiều thức ăn và chỗ trú ẩn cho chúng. Diện tích băng lớn cũng tạo ra điều kiện tối ưu cho tôm krill sinh  sản trong mùa hè Nam Cực. Khi nhiệt độ bề mặt biển tăng, diện tích băng ở cực nam giảm, và đó là điều kiện bất lợi cho chúng về lâu dài. Nếu  lỗ  hổng  tầng  ôzôn tăng tại cả hai cực, khả năng tự vệ của trái đất chống lại tia cực tím cũng giảm đi. Đặc biệt, tia UV-B sẽ gây hại tới giáp xác trong những lớp nước bên trên và sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong của tôm krill.

Nhu cầu tiêu thụ tôm krill ngày càng tăng khiến cho loài này đang bị khai thác một cách quá mức. Chúng là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu axit béo Omega 3, vitamin và khoáng chất, là nguồn nguyên liệu cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm… Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để làm thức ăn nuôi thủy sản.

>> Tôm krill là động vật giáp xác nhỏ, trọng lượng trung bình 2 g, sống thành từng đàn lớn. Mật độ cá thể trong đàn có thể đạt 10.000 – 30.000 con/m3. Kích thước của một đàn tôm krill khổng lồ thường dài khoảng 10 km và sâu 30 m.

Trần Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!