Kỹ thuật chọn và thả tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chọn và thả giống là một khâu kỹ thuật hết sức quan trọng trong quy trình nuôi tôm, có thể quyết định tới thành bại của vụ nuôi.

Khi chọn tôm giống, người nuôi cần nắm thông tin về nguồn gốc bố mẹ của con giống, quy trình nuôi và các loại thức ăn đã sử dụng để đảm bảo chúng là những con tôm giống chất lượng, khỏe mạnh, có khả năng sống tốt. Trước tiên phải chọn cơ sở sản xuất, cung cấp giống có uy tín. Tôm giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Ngâm túi chứa tôm trong ao 20 – 30 phút trước khi thả. Ảnh: Việt Úc

Chọn tôm giống

– Đánh giá bằng cảm quan: Đây là phương pháp đơn giản và khá dễ thực hiện cho bà con nuôi tôm.

+ Kích thước: Với TTCT thả thường là P12 đến P15, có chiều dài 9 – 11 mm (tôm sú là P15 – P20 chiều dài 15 – 18 mm), kích cỡ đồng đều không dị hình, hình dáng cân đối, râu thẳng kéo dài tận đuôi,

+ Màu sắc: Tôm giống tốt, khỏe mạnh có màu sắc sáng trong, ruột đầy thức ăn. (Tôm sú thường có màu nâu sáng).

+ Phản xạ: Nhìn vào bể, tôm họat động mạnh, bơi lội nhiều, bám thành bể, khi đưa vào chậu chứa khoảng 10 L nước , xoay tròn dòng nước, tôm tủa ra xung quanh và bơi ngược dòng, không tụ vào giữa chậu khi dòng nước dừng xoay là tôm có chất lượng tốt. Ngoài ra, có thể kiểm tra bằng cách gõ nhẹ vào thành dụng cụ chứa tôm, nếu tôm phản ứng nhanh nhẹn thì đó là nguồn tôm giống khỏe. Ngược lại, tôm lờ đờ, không phản ứng thì đó là nguồn tôm không khỏe.

– Đánh giá bằng gây sốc:

+ Tôm giống sống trong bể có độ mặn khoảng từ 30 – 33‰, gây sốc bằng cách vớt 300 tôm giống thả vào chậu chứa khoảng 5 L nước có độ mặn 10‰. Sau 1 giờ nếu tôm sống trên 80% thì nên lựa chọn, nếu tỷ lệ sống thấp hơn không nên mua.

+ Nên đưa tôm ở bể giống đã lựa chọn đi phân tích bệnh tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y của địa phương.

Mật độ nuôi

Mật độ nuôi tùy theo loài tôm giống, điều kiện ao đầm và trình độ kỹ thuật của người nuôi nên thả giống với mật độ sau:

– TTCT: Nuôi bán thâm canh: 40 – 60 con/m2; Nuôi thâm canh: 60 – 150 con/m2.
– Tôm sú: Hình thức nuôi quảng canh cải tiến mật độ từ 7 – 10 con/m2, hoặc bán thâm canh mật độ từ 12 – 15 con/m2.

Thả tôm giống

Trước khi thả tôm cần báo cho cơ sở bán giống độ mặn của ao nuôi trước 2 – 3 ngày để điều chỉnh độ mặn. Sự chênh lệch độ mặn giữa ao nuôi và độ mặn trong bể giống không quá 5‰. Nên thả tôm giống vào những ngày nắng nhẹ, tránh những ngày mưa hoặc gió mùa, thời gian thả vào khoảng 8 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều.

– Cách thức thả:

+ Khi tôm giống được vận chuyển về tới ao cần cho túi chứa tôm xuống ao ngâm trong vòng từ 20 – 30 phút để cân bằng nhiệt độ giữa túi chứa tôm và nhiệt độ ao nuôi. Vị trí thả tôm giống cách bờ khoảng 2 – 3 m, nên thả nhiều điểm trong cùng một ao nuôi tạo ra sự phân tán đều trong ao thuận tiện cho việc quản lý chăm sóc.

+ Khi thả tôm giống nên đổ từng túi tôm ra chậu, cho dần nước ao vào chậu nghiêng thành chậu cho tôm tự bơi ra những con tôm yếu, hoặc bị chết trên đường vận chuyển sẽ đọng lại dưới đáy chậu.

Lưu ý khi vận chuyển tôm giống đi xa

Mật độ tôm giống vừa phải, thường khoảng 1.000 con tôm/1 L nước.

Nhiệt độ vận chuyển khoảng 20 – 22ºC, không nên vận chuyển lúc trời nóng vì sẽ làm tôm bị hao hụt và yếu đi.

Thời gian vận chuyển tốt nhất trong vòng 5 tiếng đồng hồ, nếu vận chuyển đi xa có xe bảo ôn bảo đảm được nhiệt độ thì thời gian vận chuyển tối đa khoảng 18 tiếng đồng hồ.

Ngoài chất lượng tôm giống tốt và vận chuyển thuần hóa đúng kỹ thuật, để có tỷ lệ tôm sống cao đòi hỏi ao nuôi phải được cải tạo thật kỹ, sạch và nước ao phải được gây màu đầy đủ.

Lê Loan
(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!