Cá song chấm nâu là loài nuôi biển có giá trị kinh tế cao hấp dẫn với thị trường trong và ngoài nước. Nuôi cá song ở lồng, ao, đầm phá ít rủi ro hơn nuôi tôm sú và tôm hùm lồng. Vậy việc sản xuất giống cá song cần được chú trọng và phát triển.
Nuôi vỗ cá bố mẹ
Cá song chấm nâu có giá bán cao (20 – 40 USD/kg) nhưng thời gian nuôi dài (2 – 3 năm) và sản xuất giống cũng không dễ như những loài khác. Hiện, Trung tâm Giống Hải sản Quốc gia miền Bắc (Cát Bà, Hải Phòng) mỗi năm sản xuất hơn 10 vạn cá giống cỡ 5 cm với giá bán khá cao (25.000 đồng/con) vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu giống của người nuôi.
Thời gian nuôi vỗ cá bắt đầu từ tháng 10 và có thể cho cá sinh sản từ tháng 4 – 9 năm sau. Cá có thể sinh sản 1 – 2 lần/năm, mỗi lần đẻ cách nhau 3 – 4 tháng, sức sinh sản của cá lớn, dao động 600.000 – 1.900.000 trứng/kg cá cái. Chọn những con cá khỏe mạnh, lớn nhanh từ lồng nuôi đạt 5 kg (3 – 5 tuổi) để đưa vào nuôi vỗ. Cá được nuôi trong lồng lưới kích thước (3x3x3) m, cỡ mắt lưới 1,5 – 3 cm. Mật độ nuôi 20 – 30 con/lồng. Cho cá ăn 1 cữ/ngày vào buổi sáng sớm.
Thời gian nuôi vỗ cá bắt đầu từ tháng 10 và có thể cho sinh sản sau ít nhất 7 tháng nuôi vỗ – Ảnh: Trần Út
Kiểm tra phân loại đực, cái
Cá cái, vùng hậu môn có 3 lỗ, cá đực có 2 lỗ. Cá cái, dùng vòi hút trứng bằng chất dẻo đường kính 2 mm, dài 25 – 30 cm cho vào lỗ nằm giữa, sâu 3 – 8 cm để hút trứng, cá đực dùng tay vuốt ở hai bên cạnh sườn từ gốc vây ngực đến hậu môn xem có dịch trắng sữa chảy ra không. Kiểm tra sự thành thục của trứng và tinh trùng trên kính hiển vi.
Thức ăn
Lượng thức ăn chiếm 1 – 2% khối lượng cá nuôi, cần tiêm vitamin và nguyên tố vi lượng vào thức ăn trước khi cho ăn. Ba tháng đầu dùng Vitamin B1, C, D mỗi loại liều lượng 0,0025 mg/kg cá nuôi. Trong thời gian này, cứ 7 ngày cho ăn thêm hormone sinh dục một lần, đối với con đực dùng hormone Testoteron với liều lượng 1 mg/kg cá nuôi.
Hàng tháng, kiểm tra độ thành thục của tuyến sinh dục để tăng giảm liều lượng vitamin hay hormone sinh dục. Gần tới ngày sinh sản ngoài Vitamin B1, C, D, cần cho cá ăn Vitamin A, B12, E, B, Canxiclorua (CaCl2), liều lượng mỗi loại 0,0025 – 0,005 mg/kg cá nuôi. Liều lượng hormone cũng tăng lên 3 – 5 lần so với thời gian đầu và cứ 3 – 5 ngày cho cá ăn 1 lần.
Khi tuyến sinh dục cá đạt giai đoạn IV-V, nhốt chung cá đực và cái, cho ăn hormone LH – Rha liều lượng 0,02 mg/kg cá; 3 ngày cho ăn 1 lần. Thời gian nuôi vỗ kéo dài 1 tháng. Phải kiểm tra độ thành thục của tuyến sinh dục hàng ngày để quyết định bắt cá vào bể đẻ (bể đẻ làm bằng gỗ hình trụ tròn đường kính 4 m, cao 2,5 m, có phao, được che kín và có hệ thống sục khí, bể chìm 2/3 dưới nước). Mỗi bể nuôi 20 – 30 cá bố mẹ, cho cá ăn bình thường, không cho cá ăn vitamin và hormone sinh dục nữa.
Nước trong bể sạch, độ mặn 30 – 34‰, nhiệt độ 26 – 300C, thay nước thường xuyên hàng ngày 35 – 50% lượng nước bể, hút bẩn.
Cho cá đẻ
Cá bố mẹ, tuyến sinh dục phát triển đến giai đoạn V được bắt vào bể đẻ có nước chảy theo một chiều nhất định, che kín như ban đêm suốt ngày để kích thích cá tiết ra hormone thúc đẩy sự chín nhanh của trứng và tinh trùng, sau đó cá đẻ trứng và phóng tinh. Thường sau khi bắt cá vào bể 8 – 10 giờ thì cá đẻ trứng, thời gian đẻ 16 – 22 giờ trong ngày.
Nếu thả cá vào bể mà cá không đẻ trứng (trong 1 – 2 ngày), tiến hành kiểm tra tuyến sinh dục và cân trọng lượng để quyết định tiêm trực tiếp cá bố mẹ (chỗ gốc vây ngực hoặc gốc vây lưng) một liều hormone sinh dục LH-Rha, 1 – 2 mg/kg cá, liều lượng cá đực bằng 1/2 cá cái.
Nếu sau khi tiêm cá không đẻ tự nhiên, kiểm tra thấy trứng và tinh trùng tốt thì tiến hành thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp khô.
Thu gom và ương ấp trứng
Trứng thụ tinh thường nổi ở tầng mặt trong bể và theo nước chảy vào lồng hứng trứng. Cá đẻ từ chiều tối và đêm hôm trước, sáng hôm sau tiến hành thu gom trứng, dùng lưới phù du ở tầng nước từ 1 m trở lên trên mặt để thu gom nốt số trứng còn lại. Rửa sạch, đếm mẫu, tính số lượng trứng, tỷ lệ thụ tinh sau mỗi lần đẻ và đưa vào bể ấp.
Bể ấp trứng thể tích 1 m3, 6 m3 và 9 m3 làm bằng composite hoặc ximăng ở trong nhà. Mật độ ương 200 – 300 trứng/lít. Bể phải sục khí liên tục, nhiệt độ nước 26 – 280C, sau 23 – 27 giờ cá nở. Sau khi nở hết cá bột lơ lửng ở tầng giữa, tạm ngừng sục khí, hút hết vỏ trứng và trứng hỏng, các chất bẩn khác chìm ở dưới đáy bể.
Ương cá bột
Cá được ương trên bể xi măng, thể tích 30 – 50 m3 nước, mật độ ương 15 – 20 con/lít. Từ ngày thứ ba trở đi cho cá bột ăn ấu trùng hàu, hà và luân trùng (20 – 40 con/ml), mỗi ngày cho ăn 5 cữ vào 5 – 6 giờ, 9 – 10 giờ, 13 – 14 giờ, 17 – 18 giờ và 22 – 23 giờ).
Từ ngày 12 đến ngày 22 cho cá ăn ấu trùng artemia bung dù 3 – 4 con/ml sau đó tăng 7 – 10 con/ml (ngày cho ăn 5 cữ). Từ ngày 20 – 35 cho cá ăn artemia trưởng thành (liều lượng 10 – 12 con/ml).
Từ ngày 35 đến ngày 60 cho cá ăn artemia và động vật phù du như: Copepoda, Moina… cá tươi nghiền nhỏ hay thức ăn tổng hợp. Để cá lớn nhanh, cho cá ăn artemia trưởng thành đã được làm giàu bằng axit béo (SELCO). Ngày cho ăn 5 cữ.
Cá giống được 2 tháng tuổi có chiều dài 20 – 30 mm, khối lượng 5 – 10 g có thể xuất bán.
Vệ sinh và thay nước
Sau khi cá bột nở ra, vỏ trứng, trứng hỏng và các chất bẩn khác chìm ở đáy bể cần được xiphông định kỳ 2 – 3 ngày/lần. Hạn chế thay nước, tránh tổn hại cá. Khi san cá chú ý múc nhẹ nhàng lớp nước tầng mặt lẫn cá bột chuyển sang bể ương đã chuẩn bị sẵn tới khi đạt được mật độ quy định. Duy trì sục khí 24/24 h và điều chỉnh cường độ sục khí cho phù hợp với sức khỏe cá.
>> Cá song chấm nâu còn được gọi là cá song gầu, cá mú chấm đen, phân bố ở hầu hết các vùng biển của nước ta. Hiện, nguồn giống cá ngoài tự nhiên đang cạn kiệt. Những thông tin hữu ích của quy trình sản xuất giống loài cá này được giới thiệu nhằm cung cấp thông tin cho các cơ sở sản xuất, nhằm tạo ra nhiều con giống cung cấp cho người nuôi. |