T2, 06/07/2020 11:49

Kỹ thuật sản xuất giống ếch Thái Lan (Rana tigerina Dubois, 1981)

Chưa có đánh giá về bài viết

Ếch bố mẹ có thể nuôi vỗ trong bể xi măng có lót bạt, hoặc là các vèo đặt trong ao, có diện tích tùy điều kiện.

Nuôi vỗ ếch bố mẹ

Ếch bố mẹ có thể nuôi vỗ trong bể xi măng có lót bạt, hoặc là các vèo đặt trong ao, có diện tích tùy điều kiện. Phổ biến nuôi với diện tích mỗi bể là 1,5 x 1,5 x 1,5 m, vệ sinh bể sạch sẽ và cấp nước vào bể khoảng 14 cm (ngập từ 1/2 – 2/3 thân ếch). Trên bể có sử dụng các tấm lưới màu đen để hạn chế bớt ánh sáng.

Ếch bố mẹ nuôi vỗ được chọn từ các ao nuôi ếch hậu bị hoặc các ao nuôi thương phẩm. Cần chú ý chọn ếch bố mẹ từ các nguồn xa nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Chọn ếch bố mẹ 1 tuổi trở lên, tốt nhất là ếch 2 – 3 năm tuổi vì cỡ này ếch cho số lượng trứng nhiều và chất lượng tốt nhất. Chúng ta có thể dựa vào hình dáng bên ngoài để phân biệt ếch đực và ếch cái dễ dàng (ếch đực có 2 túi phát âm ở dưới hàm còn ếch cái thì không).

Thả ếch bố mẹ vào bể với mật độ 3 – 5 con/m2, nuôi ếch đực và cái ra 2 bể riêng biệt. Cho ăn bằng thức ăn công nghiệp viên nổi cỡ 6 – 8 mm, hàm (chủ yếu vitamin A, D, E, C) lượng 1 – 2 g/kg thức ăn. Cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 7 giờ và 16 giờ. Lượng cho ăn vừa đủ (khoảng 5 – 7% trọng lượng thân/ngày), không cho ăn quá no hay quá thiếu. Sau khi nuôi vỗ được khoảng 20 – 30 ngày thì ếch bố mẹ đã hoàn toàn thành thục và sẵn sàng cho đẻ.

 

Cho ếch bố mẹ sinh sản và ấp trứng

Cho ếch sinh sản trong giai có diện tích 4 x 6 m2. Nếu trại có hệ thống phun mưa nhân tạo thì sẽ cho tỉ lệ đẻ tốt hơn. Nếu không có thì chúng ta có thể cho ếch đẻ tự nhiên bằng cách cấp nước mới. Trang bị hệ thống sục khí đầy đủ, cấp nước vào giai khoảng 10cm.

Chọn ếch cái: Có trọng lượng khoảng 200 – 300 g/con, bụng phải to, di chuyển chậm, khi ngồi hai gờ trứng nhô lên cao, thân nhám, thân ếch càng nhám thì càng thành thục tốt, thông thường chọn những con ếch cái có da nhám từ 2/3 bụng trở lên là có thể cho sinh sản tốt, lúc này trong buồng trứng có nhiều trứng thành thục. 

Ếch đực: Trọng lượng 100 – 200 g/con, thân thon gọn, di chuyển nhanh nhẹn, mạnh khỏe đồng đều, có tiếng kêu lớn, sẵn sàng tham gia sinh sản.

Cho ếch bố mẹ vào bể với tỷ lệ đực/cái cho đẻ là 1:1. Mật độ thả khoảng 2 – 4 cặp/m2, bắt ếch đực trong bể nuôi vỗ thả vào bể buổi sáng, đến khoảng 16 – 17 giờ chiều mới thả ếch cái vào. Do có phun mưa hoặc nước mới nên khoảng 23 giờ đêm ếch sẽ bắt cặp, khi đó ếch bố mẹ sẽ ôm lấy nhau đẻ trứng và thụ tinh. Đến 5 giờ sáng hôm sau thì ếch đẻ xong. Tỉ lệ ếch sinh sản có thể đạt khoảng 85 – 95%.

Sau khi ếch đẻ xong thì vớt ếch bố mẹ ra để nuôi vỗ tiếp, để tránh xây xát trứng chúng ta tiến hàng ấp trứng trong giai. Mật độ trứng ấp trong giai chỉ nên khoảng 10.000 – 30.000 trứng/m2. Trong quá trình ấp trứng cần đảm bảo lượng ôxy đầy đủ bằng cách sục khí nhẹ liên tục. Trong quá trình ấp mỗi ngày tăng mực nước lên them 3 cm, cho đến khi mực nước trong giai lên đến 30 cm thì ngưng. Mục đích của việc tăng mực nước là làm cho mật độ ấp thưa dần và cung cấp thêm ôxy cho trúng. Ở nhiệt độ 25 – 300C, sau 12 giờ trứng sẽ bắt đầu nở và sẽ nở hoàn toàn thành nòng nọc sau 24 giờ. Tỷ lệ nở có thể đạt 90 – 98%. 

Ếch bố mẹ có thể nuôi vỗ trong bể xi măng – Ảnh: Trần Út

 

Ương nòng nọc lên ếch giống

Sau khi trứng nở, nòng nọc còn rất yếu, chúng lắng xuống đáy giai và khoảng 3 giờ sau mới ngoi lên mặt nước thở và bám quanh thành giai. Sau khi trứng nở hết ta vớt hết vỏ trứng và màng nhớt lắng dưới đáy rồi thay nước sạch vào giai. Để tránh gây xây xước cho nòng nọc chúng ta có thể ương nòng nọc trong giai luôn.

Ba ngày đầu nòng nọc sống nhờ chất noãn hoàng dự trữ trong cơ thể, do đó chúng ta không cần cho ăn. Từ ngày thứ 4, cho ăn trứng vịt luộc lấy lòng đỏ bóp nhuyễn rắc đều xung quanh bể. Cho ăn 4 quả cho 10.000 nòng nọc/ngày, mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng sớm và chiều mát. Buổi sáng hàng ngày lấy tay té nước xung quanh giai cho giai được thông thoáng. Định kỳ thay nước khoảng 2/3 lượng nước mỗi ngày.

Đến ngày thứ 8, san thưa nòng nọc ra còn mật độ khoảng 800 – 1.000 con/m2. Ngày này chúng ta bắt đầu tập cho nòng nọc ăn thức ăn công nghiệp, loại thức ăn sử dụng là thức ăn dành cho cá GB 640 (thức ăn cho cá giống 40% đạm) cỡ khoảng 0,5 – 1mm, trộn thức ăn công nghiệp với l đỏ trứng vịt để cho ăn và những ngày tiếp theo chúng ta giảm dần lượng lòng đỏ trứng vịt xuống, sau khoảng 10 – 15 ngày thì ta có thể cho nòng nọc ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.

Ngày thứ 15 – 21: Nòng nọc bắt đầu mọc 2 chân sau, chú ý bảo đảm môi trường nước ổn định, sục khí nhẹ liên tục, điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp.

Ngày thứ 27 – 30: San thưa nòng nọc ra mật độ khoảng 500 – 600 con/m2,  nòng nọc mọc tiếp 2 chân trước và phải ngoi lên mặt nước để thở vì mang đang thoái hóa và phổi đang hình thành để thay thế dần. Thả những tấm ván gỗ nổi chiếm khoảng 1/2 diện tích giai để làm bè cho nòng nọc. Trong thời gian nòng nọc mọc chân, giảm 1/3 lượng thức ăn vì giai đoạn này chúng sử dụng chất dinh dưỡng ở đuôi cho đến khi đuôi tiêu biến hết và thành ếch con.  Lúc này ếch con leo lên ngồi trên các tấm ván và ngồi quanh mép nước. Khi đó cho ếch ăn ngay, bằng thức ăn viên nổi của cá giống GB 640 (thức ăn cho cá giống 40% đạm) và trộn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng cho ếch. Ngày cho ăn 4 lần sáng, trưa, chiều và tối. Lượng thức ăn 7 – 10% trọng lượng thân ếch (khoảng 0,5 kg thức ăn cho 1.000 con/ngày). Cho ăn đúng giờ vào những địa điểm cố định.

Thường xuyên quan sát khả năng ăn của ếch để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau khi ương được khoảng 45 – 50 ngày ếch con đạt cỡ 100 – 200 con/kg, có thể thu hoạch bán giống để nuôi thương phẩm. Tỉ lệ sống đạt khoảng 60 – 70%.

 

Phòng bệnh cho nòng nọc

Định kỳ dùng các loại hóa chất để khử trùng như: Iodine hoặc CuSO4 khoảng  5 – 7 ngày/lần, liều lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trong quá trình chăm sóc nòng nọc phải thường xuyên vệ sinh giai, dùng bàn chải hoặc vòi nước làm sạch giai và đáy giai để tránh thức ăn dư thừa lắng đọng ở đáy. Định kì khoảng 10 ngày chúng ta phân cỡ ếch giống 1 lần, để tránh hiện tượng ếch lớn ăn ếch nhỏ.

>> Cần thường xuyên theo dõi nguồn nước, nếu thấy có dấu hiệu ô nhiễm như nước chuyển sang màu xanh đậm hay đỏ thẫm thì cần tiến hành thay nước ngay. Trong trường hợp môi trường nước bị ô nhiễm xuất hiện khí độc, ngửi thấy nước có mùi đặc trưng như mùi tanh hoặc trong giai xuất hiện nhiều bọt trắng nổi lên thì nên tiến hành thay 50 – 70% lượng nước nuôi.

ThS Nguyễn Gia Hiển (Đại học Đồng Tháp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!