Cá tra cũng được xếp là một trong ba đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam từ ngày 30-1-2019.
Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra trong năm 2019 sẽ đạt 2,4 tỉ USD, tăng từ mức ước tính 2,2 tỉ USD của năm nay. Để đạt được kết quả này, diện tích nuôi cá tra trong năm tới dự kiến tăng lên 5,5 triệu ha với sản lượng ước đạt gần 1,47 triệu tấn.
Theo Tổng cục, năm 2019, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ gặp cả thuận lợi và khó khăn. Kinh tế thế giới đang trên đà tăng trưởng trở lại, khả năng nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn trong đó có sản phẩm thủy sản. Các Hiệp định CPTTP và EVFTA có hiệu lực sẽ là động lực giúp cho thương mại của Việt Nam có nhiều thuận lợi, cũng như cả thách thức.
Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ diễn biến khó lường, có thể tạo cơ hội nhưng cũng có khả năng tạo ra những bất ổn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu sẽ có những diễn biến phức tạp, nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng mạnh do việc các nước xây dựng nhiều đập trên thượng nguồn.
Cá tra được kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc trong năm 2019
Năm 2018, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 26% so với năm 2017 đạt giá trị 2,26 tỉ USD. Trong năm qua, điểm sáng cho cá tra Việt Nam là việc Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm Mỹ (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ )công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes ở Việt Nam tương đương với hệ thống của nước này.
Ngoài ra, việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ trong đợt xem xét hành chính thứ 14 thấp hơn nhiều so với kết quả của đợt xem xét thứ 13 cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường bán hàng vào thị trường Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên – Mỹ với sự trở lại Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều mặt hàng xuất khẩu trong đó có cá tra sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Quang Huy