Kỳ vọng giống thủy sản “made in Vietnam”

Chưa có đánh giá về bài viết

Kiểm soát chặt nguồn cung, nâng cao chất lượng, sản xuất các loại giống thủy sản mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tiến tới chủ động nguồn cung giống “made in Việt Nam”… là những mục tiêu mà Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản hướng đến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản.


Con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu 

Thành bại… tại giống

Cách đây hơn 10 năm, trong sản xuất nông nghiệp (trong đó có thủy sản), từ sự trải nghiệm thực tế, ông bà ta đã đúc kết thành câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tuy nhiên, ngày nay với nền sản xuất thay đổi mạnh, con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu “nhất giống, nhì môi, tam cần, tứ thuốc”. Đặc biệt trong nuôi tôm nước lợ, chỉ cần chọn được giống tốt thì vụ tôm đó gần như thành công.

Một hộ nuôi tôm tại Quảng Nam chia sẻ, nhiều năm qua, gia đình ông chỉ thả giống TTCT chất lượng tốt, đã qua kiểm soát chất lượng. Phương châm nuôi của gia đình ông là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bởi vậy nên ưu tiên hàng đầu của ông chính là con giống chất lượng. Sau khi thả nuôi, ông luôn sẵn sàng tâm lý phòng dịch bệnh. Để đề phòng những ngày nắng nóng tôm nuôi bị sốc, ông trữ sẵn vitamin, chế phẩm sinh học, bổ trợ cho tôm nuôi khi cần thiết. Có lẽ vì thế mà hiếm vụ nuôi nào gia đình ông thất bại.

Dù quyết định thành bại của nghề nuôi tôm nhưng đến nay một phần không nhỏ tôm giống trên thị trường vẫn chưa đảm bảo chất lượng. Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7/2017, cả nước có 1.863 cơ sở sản xuất giống nước lợ, sản xuất được 70,7 tỷ con giống. Tuy nhiên, hiện nay tôm sú bố mẹ mới chủ động được khoảng 50%, còn lại chủ yếu được khai thác từ vùng biển Rạch Gốc, tỉnh Cà Mau trong vùng nước gần bờ nên hệ số thành thục không cao; Một số cơ sở chưa thực hiện công bố chất lượng tôm sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu và tôm chọn tạo trong nước; Tôm bố mẹ mang về sản xuất giống chưa được kiểm tra các loại bệnh nên khả năng các cá thể bố mẹ này mang mầm bệnh là rất cao; Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống tuy có đăng ký giấy tờ đầy đủ nhưng khi xuất bán lại không đóng gói đúng tên công ty, nhãn mác đã đăng ký, thậm chí nhiều công ty không có cơ sở sản xuất giống nhưng lại có giống bán tràn lan trên thị trường…

Đảm bảo đủ giống tốt

Khảo sát thực tế tình hình nuôi tôm của bà con vùng ĐBSCL cho thấy, người nuôi tôm nào chọn được giống tốt thì tôm nuôi vụ đó lớn nhanh, sức chống chịu của tôm với điều kiện môi trường tốt, ít dịch bệnh, khả năng thắng lợi vụ đó là rất cao. Còn không may chọn phải giống kém chất lượng thì coi như vụ đó thất bại.

Hiểu rõ tầm quan trọng của con giống nên trong Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020, Bộ NN&PTNT cũng đã nêu rõ định hướng: Thực hiện nghiên cứu phát triển giống thủy sản nòng cốt là các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cùng với sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp thủy sản, các trường đào tạo, các tổ chức nghiên cứu khoa học ngoài ngành. Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống thủy sản nuôi trồng chủ lực ở những vùng có lợi thế tự nhiên và vùng nuôi trồng trọng điểm để đảm bảo sản xuất đủ giống tốt, giá thành hạ, chủ động cung cấp tại chỗ cho nuôi trồng; mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống, trong đó 75% giống các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là chất lượng, sạch bệnh.

Nỗ lực chủ động

Bộ NN&PTNT xác định đối tượng nuôi chủ lực trong ngành thủy sản gồm tôm sú, TTCT, tôm càng xanh, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất giống trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Riêng đối với tôm, mỗi năm cần 130 tỷ con tôm giống, trong đó có 100 tỷ con TTCT và 30 tỷ con tôm sú giống. Để đáp ứng nhu cầu này, lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230.000 con. Hiện tại, nguồn cung tôm bố mẹ cho sản xuất tôm giống ở nước ta gồm ba nguồn chính là đánh bắt tự nhiên, sản xuất trong nước và nhập khẩu. Với tôm sú bố mẹ, sản xuất trong nước được khoảng 8.000 – 10.000 con, nhập nội khoảng 3.000 con, còn lại là khai thác từ tự nhiên. Với TTCT bố mẹ gần như phải nhập khẩu 100%, giá 50 – 100 USD/con.

Từ năm 2013, Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình phát triển giống TTCT bố mẹ để chủ động nguồn cung trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng chú ý phát triển dòng tôm giống bố mẹå. Năm 2016, Tổng cục Thủy sản đã công nhận giống mới đối với TTCT thế hệ thứ nhất (G1) do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I thực hiện từ năm 2012 – 2014; giai đoạn 2 do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện từ năm 2014 – 2018.

Đáng kể hơn, hiện ngành cũng đã làm chủ được kỹ thuật sinh sản nhân tạo các đối tượng cá tra, ngao, cá rô phi… Đối với ngao, nguồn cung giống ngoài dựa vào tự nhiên, một lượng giống được phát triển sản xuất nhân tạo. Việt Nam đã thương mại hóa thành công giống ngao nhưng vẫn cần phải ổn định quy trình. Về cá tra, cơ bản đã đáp ứng đủ số lượng phục vụ nhu cầu nuôi, phấn đấu đến năm 2020 sản xuất 3,5 tỷ con giống. Về cá rô phi, đây là mặt hàng đang có nhu cầu lớn, hiện khả năng cung ứng giống trong nước được 80%, 20% còn lại vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu để phục vụ cho các tỉnh phía Bắc. Bộ NN&PTNT đã đầu tư Trung tâm Nghiên cứu chọn giống và sản xuất giống rô phi tại Quảng Nam nhằm hướng tới lựa chọn và lai tạo giống lâu dài. 

>> Theo Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020, các tổ chức, cá nhân đầu tư để nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản được hưởng các chính sách (về đất đai và đầu tư) khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, Nghị định số 115/2008/NĐ-CP.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!