(TSVN) – Gần đây, mô hình nuôi cá tầm ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) thu về hàng tỷ đồng, mở ra triển vọng phát triển loại cá nước lạnh đối với vùng đất nơi đây. Điển hình là mô hình của anh Vũ Mạnh Cường, xã Gung Ré, huyện Di Linh.
3 năm trước, anh Cường là hộ nông dân đầu tiên phát triển giống cá nước lạnh ở huyện Di Linh. Trang trại của anh gồm 14 bể nuôi cá thương phẩm, kinh phí xây dựng trại cá lên đến 2 tỷ đồng. Trang trại có nguồn nước sạch từ con suối Nước Mát đổ về là điều kiện lý tưởng để phát triển cá tầm. Nguồn nước ở đây có độ tinh khiết cao, nhiệt độ luôn trong ngưỡng từ 15 – 20oC. Nước được dẫn từ suối về các bể, từ bể trên chảy xuống bể dưới, rồi lại chảy ra suối giúp bể cá luôn có lượng nước trong mát, mà còn tạo ôxy cho đàn cá sinh trưởng và phát triển.
Anh Cường cho biết, cá tầm chỉ sống ở nước động và sạch, ôxy trong nước phải đạt đúng chỉ số cho phép, chỉ cần một trong các yếu tố trên thay đổi, cá sẽ chết. Khi phát hiện bể dơ là phải vệ sinh ngay, nếu trong bể con cá nào còi cọc, chậm lớn hay có biểu hiện không bình thường nên lọc ra, cho sang bể khác và có chế độ chăm sóc riêng.
Tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn huyện Di Linh rất lớn. Ảnh: CTV
Tại trang trại, mỗi hồ rộng khoảng 100 m2 và có thể nuôi khoảng 2.000 cá thương phẩm loại 1,5 – 2 kg và nuôi 1.500 cá thương phẩm loại 5 – 10 kg. Cá nuôi khoảng 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1,8 – 2 kg mỗi con. Thức ăn dùng để chăn nuôi là loại cám công nghiệp dành cho cá tầm và chế độ cho ăn được duy trì 4 cữ mỗi ngày gồm sáng, trưa, chiều, tối.
Để lúc nào cũng có cá tầm thịt bán ra thị trường, anh Cường nuôi theo kiểu gối đầu, cứ cách từ 3 – 4 tháng, anh lại nhập cá giống về nuôi một lần. Hiện tại, mỗi năm trang trại anh Cường cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh gần 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán giao động ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg, mỗi vụ cá, chủ trang trại thu lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.
Theo UBND xã Gung Ré, tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn rất lớn bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nước lạnh quanh năm. Nếu tận dụng được tài nguyên này thì đây sẽ là hướng đi mới tạo thu nhập cho người dân. Song, do khó khăn về nguồn vốn nên người dân chưa nhân rộng được mô hình nuôi cá nước lạnh tại đây. Địa phương rất cần có thêm những doanh nghiệp quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có này.
Hiện tỉnh Lâm Đồng có chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển cá nước lạnh ở tỉnh. Địa phương đang có gần 30 đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh thương phẩm với tổng diện tích trên 400 ha. Các cá nhân, doanh nghiệp đang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhiều trang trại kiểu mẫu đã hình thành. Các mô hình như cá tầm suối nước chảy VietGAP, GlobalGAP đạt năng suất, chất lượng cao. Hiện, sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường trong nước.
Thái Dương