Lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường và hoạt động khai thác quá mức của con người làm nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên có xu hướng suy giảm mạnh. Do vậy, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trở thành yêu cầu cấp thiết duy trì đa dạng sinh học đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Suy giảm nghiêm trọng

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nguồn lợi thủy sản cả ở vùng biển và vùng nội thủy đang đứng trước nguy cơ suy giảm nhanh. Cùng với đó, hệ sinh thái thủy sinh cũng suy thoái nghiêm trọng. Môi trường sinh thái biển còn phải chịu những tác động nặng nề của vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa… Trong khi đó, công tác bảo tồn biển đang gặp nhiều khó khăn nên đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển.

Kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản chỉ ra rằng, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000 – 2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011 – 2015 (giảm 9,5%). Mặc dù vậy, sản lượng khai thác hải sản lại có xu hướng tăng.

Hoạt động thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương hưởng ứng tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng người dân

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nhanh chóng, tích cực triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực tế, các địa phương ven biển đã triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản như thả con giống tái tạo nguồn lợi…

Chung tay bảo vệ nguồn lợi

Với đặc điểm địa hình thuộc khu vực vùng trũng cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương có nguồn lợi thủy sản tự nhiên rất dồi dào. Từ tiềm năng này, tận dụng thời gian nhàn rỗi, người dân nơi đây đã thực hiện khai thác thủy sản bằng một số ngư cụ cấm, gây mất an ninh trật tự. Từ thực trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã chọn xã Long Bình là xã điểm thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm tạo chuyển biến tích cực cho người dân tại những địa phương lân cận. Qua việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, người dân trên địa bàn xã đã có ý thức chấp hành tốt các quy định trong khai thác thủy sản, trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Để tạo sự thay đổi về nhận thức của người dân, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp Đảng ủy, UBND xã Long Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và các hội, đoàn thể về Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhằm phát huy vai trò nêu gương, từ đó, vận động gia đình, người thân cùng chấp hành. Các đợt tuần tra, kiểm soát trên sông cũng được tổ chức thường xuyên nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến từng chia sẻ, hoạt động thả cá góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại ĐBSCL, tạo sinh kế cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới tất cả các tầng lớp nhân dân tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, phù hợp với Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Mong rằng, giai đoạn 2022 – 2025, lãnh đạo và nhân dân 3 tỉnh, thành phố (An Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp) tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ cùng Bộ NN&PTNT tổ chức thành công các buổi lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh. Cùng đó, phối hợp quản lý, bảo vệ đàn cá sau thả, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản chung trên dòng sông Hậu.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hiểu biết của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn biển cũng như chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn biển và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm; Tổng cục Thủy sản phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm vì thế hệ mai sau”, thời gian từ tháng 11 – 12/2022. Cuộc thi cũng lan tỏa các thông điệp và hành động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tìm kiếm các sáng kiến bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực ven biển các địa phương bao gồm các sản phẩm mang tính truyền thông. Thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, trẻ em, học sinh ở các khu vực bảo tồn biển nói riêng và trong cả nước nói chung để hiểu rõ hơn về công tác bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.

Xuân Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!