(TSVN) – Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng thời điểm này, các làng nghề sản xuất khô tại nhiều địa phương ven biển đã hối hả tăng công suất, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, các cơ sở vẫn không quên nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
An Thủy là xã ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với dân số khoảng 16.000 người, kinh tế chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Toàn xã có có gần 1.000 tàu khai thác, trong đó 63% tàu đánh bắt xa bờ; sản lượng đánh bắt khoảng 37.000 tấn tôm, cá các loại mỗi năm. Từ lâu, người dân nơi đây đã sử dụng nguyên liệu tôm, cá để chế biến cá khô. An Thủy bình quân mỗi năm chế biến từ 1.000 – 1.200 tấn cá khô các loại. Năm 2007, nghề chế biến cá khô ở An Thủy được công nhận làng nghề truyền thống. Xưởng cá khô Tư Lành là cơ sở sản xuất khô biển lớn nhất tại An Thủy và có quy mô nhất xã với khoảng 50 lao động, sản xuất đủ các loại khô như: khô cá đù, cá linh, cá đổng, mối, lưỡi trâu, chỉ vàng, đúi, chìn… Trong đó, khô cá đù và cá lưỡi trâu được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, giá dao động từ 70.000 – 200.000 đồng/kg. Thời gian tới, xã An Thủy sẽ nhân rộng mô hình, tạo ra nhiều sản phẩm cá khô cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây.
Cá khô là một trong những mặt hàng đặc sản chủ lực của người dân cửa biển Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà MauẢnh: ST
Tại Cà Mau, nếu như cửa biển Cái Tàu có đặc sản tôm khô; Cái Đôi Vàm có khô cá khoai thì Sông Đốc có khô mực, một loại khô thịt mềm, thơm ngon và ngọt đậm đà. Thị trấn Sông Đốc có trên 500 tàu khai thác mực, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn mực khô. Ngoài cá tươi, mực tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, Sông Đốc còn là nơi sản xuất khô nổi tiếng gồm nhiều loại từ cá thu, cá lạt, cá rún đến cá hố, cá ngát, cá mối…
Cá khô cũng là một trong những mặt hàng đặc sản chủ lực của người dân cửa biển Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân). Ðược làm ra từ nguồn nguyên liệu tươi, cá khô nơi đây ngon, có thể bảo quản lâu. Mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất của các vựa khô bị ảnh hưởng không ít, tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ cá khô tại đây lại tăng đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh trong mùa dịch. Cái Ðôi Vàm vốn đã có thương hiệu từ lâu, với các sản phẩm tiêu biểu: khô khoai, cá đù, cá hố, khô tôm tích, cá mai… Nhờ đa dạng về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, hương vị nên thị trường tiêu thụ các mặt hàng đặc sản tại đây ngày càng được mở rộng. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nông sản gặp khó về đầu ra, riêng các sản phẩm cá khô tại Cái Ðôi Vàm lại rất hút hàng, đặc biệt là cung ứng lên thị trường TP Hồ Chí Minh. Trên địa bàn thị trấn có gần 200 cơ sở và hộ dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá khô. Ông Trần Phước Nhân, Chủ tịch HÐQT HTX nước mắm Ngọc Trân cho biết, suốt nhiều tháng qua, các mặt hàng khô như: cá mối, cá đù một nắng, tôm tích, cá lưỡi trâu, cá cơm luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Mỗi ngày, cơ sở xuất bán trên 1,5 tấn khô các loại, chủ yếu là cung ứng lên thị trường TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực ÐBSCL, với giá 100.000 – 300.000 đồng/kg. Các sản phẩm sau khi làm sạch, tẩm ướp, phơi khô sẽ được hút chân không để bảo quản được lâu và an toàn.
Bên cạnh việc phát triển thị trường, tăng sản lượng chế biến để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng trong tình hình mới, các hộ dân, cơ sở kinh doanh, chế biến khô còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Diệu An