Ghé thăm làng nghề lọp lươn Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) vào những ngày đầu tháng 12, dù đã gần hết mùa nước nổi nhưng làng nghề vẫn hoạt động nhộn nhịp để cung cấp lọp lươn cho các thương lái khắp ĐBSCL. Theo người dân địa phương, lọp lươn được tiêu thụ quanh năm nên đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Người dân làng nghề làm lọp lươn có thu nhập ổn định
Theo những người thợ nơi đây, nghề đan lọp lươn ở địa phương có từ rất lâu đời và được UBND tỉnh công nhân là làng nghề truyền thống vào năm 2017. Nếu những năm trước, lọp lươn chỉ làm hoàn toàn bằng tre thì những năm gần đây, lọp lươn được cải tiến, dùng ống nhựa, lưới nhựa thay thế, do nguồn nguyên liệu tre ngày càng khan hiếm. Vật liệu bằng nhựa này vừa nhẹ, vừa dễ làm, giá thành bình dân nên được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, lọp làm hoàn toàn bằng tre vẫn “chạy” lươn nhất.
Ngay từ sáng sớm, căn nhà nhỏ của ông Phan Văn Đô (ngụ ấp Cần Thới) đã được “bày binh bố trận”, nào là dây gân, tre, ống nhựa, lưới nhựa,…sẵn sàng cho công việc của một ngày mới. Ông Đô chia sẻ: “Hồi xưa, người dân nơi này làm lọp để bắt cá, bắt lươn về ăn vào mùa nước nổi, sau đó người dân các vùng khác đến đặt hàng. Cứ như thế, làng lọp lươn ở ấp Cần Thới, xã Cần Đăng dần trở thành nơi cung cấp sản phẩm cho cả vùng ĐBSCL để đánh bắt thủy sản”.
Theo ông Đô, việc hoàn thành một cái lọp phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chuốt rẽ, gióng, đốt thui rẽ… cho đến bện hom, ráp lọp … Những công đoạn đơn giản, dễ làm sẽ thuê người dân trong xóm, còn những công đoạn khó thì người trong nhà hoặc những người có tay nghề giỏi làm hết nhằm đảm bảo chất lượng. Làm trúm bắt lươn bằng ống nhựa hay lọp bằng lưới nhựa dù rất tiện, dễ làm nhưng vẫn phải sử dụng hom tre – dụng cụ không thể thay thế được. “Làm lọp bằng gì thì bằng nhưng dứt khoát cái hom phải làm bằng tre. Hai hom đặt trong lọp hoặc ống nhựa phải thẳng nhau, thông với nhau thì lươn mới dễ dàng chui vào” – ông Đô khẳng định.
Tùy theo công đoạn, mỗi người thợ có thu nhập khác nhau, bình quân khoảng 100.000 – 150.000 đồng/ngày. Chị Phan Thị Bé Tiên (ngụ ấp Cần Thuận) cứ thoăn thoắt đôi tay bện lọp, vui vẻ chia sẻ: “Tôi làm công cho gia đình chú Đô gần 10 năm nay, với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nghề này làm quanh năm, nhưng cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch. Từ sau Tết Nguyên đán, bà con ở đây phải chủ động làm lần lần, bán được nhiêu thì bán, còn lại thì bán trong mùa nước nổi. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng làm ổn định quanh năm, bà con cũng yên tâm theo nghề”.
Cách đó không xa, nhà anh Nguyễn Văn Dũng Anh cũng khá bận rộn. Thời gian này, công việc của gia đình anh có phần ngơi đi chút ít, chứ vào mùa lũ về, cả nhà phải “tăng ca” và thuê thêm nhân công mới kịp giao cho khách. Nếu như vào mùa nước nổi, mỗi ngày gia đình anh làm ra từ 300 – 400 cái lọp các loại để giao cho thương lái, thì những ngày này con số đó có phần giảm gần 1/2. “Nhà tui làm quanh năm chứ không ngưng nghỉ ngày nào, ai đặt thì mình làm, không đặt vẫn làm để đó đến khi mùa lũ về thì bán, không sợ ế. Nói chung nghề này không giàu, nhưng cũng đủ trang trải trong gia đình”- anh Dũng Anh vừa bện hom, vừa nói.
Những năm gần đây, do nguyên liệu làm lọp bằng tre ngày càng khan hiếm, nên bà con chuyển sang sử dụng ống nhựa hoặc lưới nhựa. “Ống nhựa hoặc lưới nhựa dễ làm, không sợ thiếu nguyên liệu nhưng lọp tre vẫn được bà con ưa chuộng nhất. So với mọi năm, cả 3 sản phẩm có giá gần như nhau, từ 25.000 – 27.0000 đồng/cái, sau khi trừ chi phí và công của mình, gia đình tôi thu lợi nhuận từ 8.000 – 10.000 đồng/cái” – anh Dũng chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Cần Đăng Trần Đăng Khoa cho biết, làng nghề lọp lươn Cần Đăng hiện có khoảng 45 hộ trực tiếp sản xuất, với 3 loại, gồm: lọp tre, lọp lưới nhựa và trúm bắt lươn bằng ống nhựa. Sản phẩm làng nghề được sản xuất quanh năm, nhưng hút hàng nhất là vào mùa nước nổi. Hiện tại, làng nghề giải quyết việc làm cho gần 700 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 2 – 6 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề không chỉ phát huy tốt hiệu quả trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.