Năm 2020 là năm “thất bát” đối với người nuôi cá nước lạnh nói chung và cá hồi nói riêng, nhiều chủ ao nuôi đang tính chuyện tạm ngừng nuôi cá hồi.
Hơn 1 tháng nữa là sang năm Tân Sửu 2021 nhưng gần 1 tấn cá hồi thịt đến kỳ xuất bán của gia đình ông Vàng Sin Phà, ở thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng (huyện Bát Xát) chưa tìm được người mua. Lứa cá hồi của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch, không còn khả năng phát triển, trọng lượng hơn 1 kg/con. Ông Phà cho biết: Mọi năm tôi đều nuôi giống cá hồi vân loại nhỏ này nhưng giá bán tối thiểu cũng được 130 – 140 nghìn đồng/kg. Năm nay giá cá hồi giảm sâu nhất từ trước đến nay, loại nhỏ chỉ còn khoảng 90 nghìn đồng/kg nhưng cũng rất khó tìm được người mua. Gia đình tôi phải bắt dần để bán lẻ cho người dân nhằm thu hồi ít vốn. Tính ra lứa cá này gia đình tôi lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Ông Vàng Sin Phà lo lắng vì giá cá hồi năm nay giảm sâu
Dền Sáng là xã có số lượng ao nuôi cá hồi lớn nhất huyện Bát Xát (khoảng 100 ao). Nuôi cá hồi từng là hướng đi mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ tại đây. Ông Vàng Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Để có tiền đào ao, xây bể, dẫn nước về nuôi cá hồi, nhiều hộ trong xã đã vay hàng trăm triệu đồng từ các tổ chức tín dụng. Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cá hồi giảm sâu và đến giữa năm nhích lên một chút, nhưng cuối năm lại tiếp tục giảm khiến nhiều người nuôi cá hồi ở xã lâm vào cảnh khó khăn, nợ chồng nợ.
Gia đình ông Lý Láo Pà là hộ có số lượng ao nuôi cá hồi lớn của xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Những năm trước, khi giá cá hồi ở mức 240 – 250 nghìn đồng/kg, ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi lứa cá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ông không thu được đồng lãi nào từ nuôi cá hồi. Ông Pà cho biết: Hiện giá cá hồi loại 1 được tôi bán với giá chỉ 140 – 156 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí thì không có lãi. Gia đình tôi vẫn được coi là may mắn vì nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ khác chưa có kinh nghiệm còn có cá bị chết hoặc chậm lớn dẫn đến lỗ nặng. Nhiều hộ ở xã Ngũ Chỉ Sơn, trong đó có gia đình tôi đang tính không nuôi cá hồi nữa.
Trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn có khoảng 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân, tập trung tại các thôn Cán Hồ B, Phìn Hồ, Kim Ngan… với sản lượng mỗi năm lên tới gần trăm tấn. Theo chính quyền địa phương, những cơ sở nuôi cá nhỏ lẻ của người dân chịu thiệt hại nặng nhất do thiếu vốn, thiếu đầu ra và phải phụ thuộc vào thương lái.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Song Nhi là đơn vị cung cấp con giống, thức ăn và nuôi cá hồi thương phẩm lớn ở thị xã Sa Pa. Chủ động về mọi mặt, giảm được rất nhiều chi phí nhưng ông Trần Chung Hưng, quản lý công ty cũng phải lắc đầu ngao ngán vì giá cá hồi năm nay giảm quá sâu. “Đại dịch Covid-19 tuy đã được khống chế nhưng vẫn khiến lượng khách đến Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng giảm đáng kể, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá hồi giảm mạnh. Ngoài ra, thời điểm cuối năm nguồn nước nuôi cá nước lạnh rất ít, nhiều ao đã cạn nước nên người nuôi buộc phải bán cá khiến cung vượt cầu, giá cá càng giảm sâu hơn. Với giá bán 100 – 150 nghìn đồng/kg tùy từng loại, chắc chắn người nuôi cá hồi không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Những biện pháp mà dịp đầu năm công ty chúng tôi áp dụng để giải cứu cá hồi như làm cá hồi phi lê hút chân không, cá hồi hun khói, ruốc cá hồi… cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi”, ông Hưng nói.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 150 cơ sở nuôi cá nước lạnh, chủ yếu nuôi tại các huyện: Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Tổng sản lượng cá hồi thương phẩm ước đạt 375 tấn/năm. Dịp cuối năm, giá cá giảm sốc khiến người nuôi cá hồi gặp khó và rất cần giải pháp kịp thời, hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.