Lễ công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 12/12/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức trọng thể Lễ công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, giai đoạn 2022 – 2032.

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Thái Lan và lãnh đạo Bộ NN&PTNT Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong cùng với các lãnh đạo Bộ, Ngành Trung ương và các Sở, ban ngành Tỉnh, các nhà khoa học, nhà tài trợ… trong và ngoài nước và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân huyện Tam Nông đã đến dự.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp – Phạm Thiện Nghĩa đã phát biểu nêu bật ý nghĩa thiết thực và mục tiêu của Đề án là nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Vườn QGTC) bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong 05 năm đầu có thể cho Sếu sinh sản và sống tốt trong điều kiện bên trong và ngoài Vườn QGTC. Giai đoạn 2029 – 2032, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể Sếu từ 6 tháng tuổi; dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Cùng với đó, xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn QGTC. Cán bộ kỹ thuật của Vườn QGTC có thể tự chăm sóc Sếu thành công và cho sinh sản, thả về thiên nhiên. Trong 10 năm (2022 – 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống; đàn Sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tồn tại ngoài tự nhiên và sống quanh năm tại Tràm Chim… Ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, Vườn QGTC không chỉ là ngôi nhà của sếu đầu đỏ, đây là nơi cư trú của trên 100 loài động vật, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ có mục tiêu bao quát hơn là phục hồi sinh cảnh đất ngập nước nơi đây. Từ khi ban hành, các phần việc trong Đề án đã được triển khai theo lộ trình. Đặc biệt, Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn QGTC được thực hiện trong 10 năm. Đây là đề án “dài hơi”, mang tầm vóc quốc tế, do đó cần sự chung tay, đồng hành của cả cộng đồng. Với những kết quả có được trong ngày hôm nay, chúng tôi tin rằng tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ đạt được mục tiêu đề án. Để từ chính mảnh đất này, loài Sếu đầu đỏ quý hiếm có thể sống và sinh sôi quanh năm ở môi trường tự nhiên. Sự phát triển của sếu đầu đỏ nơi đây sẽ làm nguồn cảm hứng mới cho du lịch Đồng Tháp và cũng góp phần cho những mục tiêu nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững sau này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam – Nguyễn Quốc Trị; Ông Jade Donavanik, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ZPOT – Vương Quốc Thái Lan và các nhà khoa học… đã phát biểu chia sẻ đầy tâm huyết của Thái Lan và Việt Nam, của những người tâm huyết với việc bảo tồn sếu và bảo vệ thiên nhiên. Hiện nay, theo từng bước trong các hợp phần của đề án, Vườn QGTC đã hoàn thiện khá nhiều phần việc… Theo thống kế mới nhất của WWF, gần 70% các loài động vật hoang dã đã biến mất trong vòng 50 năm qua. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng. Loài sếu, biểu tượng của sự thanh cao và trường thọ, cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Với tầm quan trọng của việc bảo tồn loài Sếu, các tổ chức về môi trường thế giới cũng đã đồng hành với tỉnh Đồng Tháp trong chương trình này…

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Chủ tịch UBND Tỉnh – Phạm Thiện Nghĩa đã tặng quà thay lời tri ân đến các nhà tài trợ. Các vị lãnh đạo và các đại biểu đã thực hiện Nghi thức cho đàn Sếu đầu đỏ ăn cỏ năn…

Trần Trọng Trung

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!