Lễ hội cúng biển Mỹ Long từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội quan trọng diễn ra hằng năm ở Trà Vinh. 10 – 12/5 ÂL, ngư dân lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Nghinh Ông (còn gọi là Lễ hội cúng biển).
Lễ hội cúng biển được tổ chức lần đầu tiên năm 1919 và duy trì đến nay. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Đức Ông Nam Hải (cá Voi) của ngư dân, Lễ hội là dịp để người dân làng biển Mỹ Long thể hiện lòng biết ơn đất trời, biển cả và những bậc tiền hiền, hậu hiền có công với làng, với nước cũng như cầu cho một mùa đi biển mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá bội thu.
Nghinh Ông Nam Hải bằng tàu biển và lễ tống tàu ra khơi trong Lễ hội cúng biển Mỹ Long
Các lễ chính thức của Lễ hội Nghinh Ông Mỹ Long bao gồm: Nghinh Ông (đám rước trên biển), Chánh tế (tại miễu Bà), Dâng Mâm lộc (tại miễu Bà), Nghinh Ngũ phương (đám rước khắp thị trấn), Tống Quái (đám rước trên biển)… Trong những ngày diễn ra Lễ hội, hàng chục ngàn khách thập phương từ các tỉnh lân cận đổ về trẩy hội và tham gia nhiều trò chơi dân gian như: đua thuyền buồm, đua thuyền chèo, xem hát bội, đi cà kheo… Từ một lễ hội mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân làng biển, ngày nay Lễ hội Nghinh Ông thị trấn Mỹ Long được xem là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Trà Vinh. Lễ hội này đã và đang được các cơ quan chức năng trong tỉnh và bà con ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh bảo tồn và phát huy. Ngoài ra, Lễ hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu những hình ảnh về đất nước, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Trà Vinh, nhằm phát triển du lịch, tạo nguồn thu phát triển kinh tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định 3820/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 4). Theo đó, cùng với 7 di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương khác, Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.