Những người dân sinh sống ở cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã quá đỗi thân quen với hình ảnh những người phụ nữ ngày ngày trên chiếc ghe nhỏ khua mái chèo quanh khu vực bến neo đậu tàu thuyền để vận chuyển và mua cá của các tàu thuyền về cập bến.
Có mặt tại cảng Sa Kỳ khi trời vừa sáng, chúng tôi ghi nhận đủ thứ âm thanh hỗn tạp pha lẫn vào nhau. Tiếng tàu thuyền cập cảng, tiếng người mua bán gọi nhau í ới của đội quân ghe nan… tất cả tạo nên cảnh náo nhiệt nơi bến cảng
Chiếc thuyền nan nhỏ bé chính là “cần câu cơm” của những người phụ nữ hành nghề vận chuyển, mua cá ở đây. Những chuyến tàu khơi xa về cập bến thì cùng lúc họ chèo thuyền tiếp cận để thu mua và vận chuyển các loại hải sản lên bờ cho những con tàu không thể cập cảng.
Theo ước tính của chúng tôi, ở đây hàng chục chiếc ghe với những người phụ nữ nước da đen sạm bám cảng tất bật mưu sinh từng ngày.
Nhiều chiếc ghe nan vây quanh tàu cá xa bờ từ ngoài khơi trở về để “ăn hàng”. Những người này mua hải sản từ các nậu hoặc mua trực tiếp từ chủ tàu rồi bán lại cho thương lái ở các chợ hoặc là người đến từ các địa phương lân cận khác.
Cảng Sa Kỳ nằm giáp ranh giữa xã Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) nên những chiếc ghe nan này không chỉ là phương tiện vận chuyển hải sản, mà còn là phương tiện để vận chuyển người dân 2 địa phương muốn đi đường thủy qua lại buôn bán, giao lưu với nhau
Những chị phụ nữ mua hàng từ những tàu chở hàng đang cập ở cảng Sa Kỳ để vận chuyển qua bên bờ ở xã Tịnh Kỳ để bán.
Gom góp từng đồng bạc lẻ, cuộc đời họ cùng chiếc ghe nan hằng ngày cứ lênh đênh trên bến cảng mưu sinh
Những người phụ nữ làm nghề này có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là chấp nhận lênh đênh ở cảng cá để kiếm sống. Trong số họ, có những người gắn bó với chiếc ghe nan từ khi tóc còn xanh, nay đã bạc. Giữa cảng cá tấp nập, nụ cười vẫn nở trên đôi môi của những phận nữ làm nghề mua bán mưu sinh nơi cảng cá, bởi phía trước họ là tương lai của thế hệ mai sau.