Có một câu nói đùa đau xót: “Phát hiện thêm một dân tộc mới, không ít người, đa phần nghèo, lạc hậu, cư trú ven biển, mưu sinh bằng đánh cá… thường gọi là ngư dân”.
Nếu để ý sẽ thấy ngay các làng chài dọc theo đất nước, thường cách những tuyến quốc lộ không xa nhưng mãi vẫn lụp xụp, đầy trẻ con và phụ nữ, luôn khang khác với xung quanh. Làng cá dù đã thay đổi khá nhiều nhưng những nét “khác” đáng buồn vẫn là những chỉ dấu chính để phân biệt với làng khác. Có lần trong chuyến biển hỏi một ngư dân Phú Yên: Đội tàu mình có ai học hết lớp 12 không? Anh ngư dân ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi lại: Học hết lớp 12 đi biển chi cho phí!
Nếu như trong sản xuất nông nghiệp hôm nay đâu đâu cũng “đầy nhóc” kỹ sư; của các cơ quan chức năng, các dự án, các hãng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… đồng hành cùng nông dân. Ở làng chài đội ngũ này hẻo lắm nếu không muốn nói là không có. Cá đưa lên bờ là của… thương lái, còn nghề cá vẫn là… của dân. Các dự án, chương trình đầu tư vào đánh bắt vẫn theo tâm thế người trên bờ “cho, giúp” người dưới biển. Người “cho” quên rằng kiếm được con cá cũng là bắt đầu cho một chuỗi giá trị rất lớn, mà phần lợi người trên bờ hưởng nhiều hơn người dưới biển. Vậy đầu tư cho ngư dân không phải “cho” mà là “trả”, để họ đủ lực đưa con cá từ biển về “cho” người trên bờ.
Những ngày này cả nước đang sôi lên, thế giới cũng giật mình về sự kiện giàn khoan HD-981 của Trung Quốc nhảy vào biển Việt Nam. Hộ tống cái giàn khoan này không chỉ có các tàu công vụ và tàu quân sự Trung Quốc mà gần đây nhất đã có cả đội tàu cá (dù có thể là trá hình) rất mạnh, bọc sắt. Ngư dân các tỉnh miền Trung ra khơi cùng các cơ quan chức năng bảo vệ biển quê hương khá nhiều, nhưng qua thông tin cũng dễ thấy những con tàu gỗ bé nhỏ, thuần túy để đánh cá của ngư dân ta khó cự được với tàu đối phương. Có lòng chưa đủ, phải có sức nữa. Không thể cứ coi việc ngư dân mình bị đuổi, bị đánh, bị cướp… ngay trên biển của mình rồi vẫn ra khơi là điều đáng quý, đáng ca ngợi mãi được – Dù thực tế trong hôm nay đó là điều hết sức đáng trân trọng. Biển của ta, ngư dân ta làm chủ, ngư dân ta không thể luôn sống với tâm thế kẻ yếu ngay trong nhà mình.
Chuyện giàn khoan hôm nay là bước ngoặt, chắc chắn trong tương lai những chuyện như thế và gần giống như thế sẽ ngày càng nhiều. Trong lịch sử giữ nước nghìn năm của dân tộc, người dân Việt đứng trung tâm và nắm vai trò quyết định thắng lợi trong mọi trận chiến gìn giữ non sông. Để giữ biển, chắc chắn không thể dựa vào ai ngoài chính dân mình, cả người trên bờ và người dưới biển.
Người con mang tên Ngư Dân, như người em út, bao thế hệ qua luôn thiệt thòi trong trăm người con sinh ra từ “Đồng Bào” của cha Rồng mẹ Tiên, người con ấy mãi nhọc nhằn, nghèo khó. Hôm nay và ngày mai, lịch sử trao cho người con nghèo ngư dân sứ mệnh đứng mũi chịu sào, giữ biển. Dồn sức đầu tư cho ngư dân là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Một chiến lược thực sự để thay đổi diện mạo làng cá, nâng tầm vị thế ngư dân là quá cần thiết. Sự đầu tư không chỉ là tàu to, ngư cụ hiện đại mà là sự đầu tư thực sự dài hơi về con người, cùng các tổ chức hội, đoàn trên biển, để ngư dân không chỉ bám biển mà phải là người chủ của biển Việt Nam.