(TSVN) – Ngày 9/8 vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo mang tính bước ngoặt, cảnh báo thế giới chắc chắn sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng của khí hậu nhiều hơn nữa trong những thập kỷ tới.
Báo cáo từ các nhà khoa học của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết con người “rõ ràng” phải chịu trách nhiệm về việc này. Hành động nhanh chóng để cắt giảm phát thải khí nhà kính có thể hạn chế một số tác động nhưng vẫn chưa đủ.
Những đợt nắng nóng chết người, những trận cuồng phong khổng lồ và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đã và đang xảy ra sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn.
Người dân địa phương cùng vật nuôi sơ tán khỏi khu vực khi đám cháy rừng hoành hành ở ngoại ô Thrakomakedones, phía Bắc Athens, Hy Lạp, ngày 7/8/2021. Ảnh: Giorgos Moutafis
Chỉ riêng ngày 9/8, thế giới đã chứng kiến 500.000 mẫu rừng cháy ở California (1 mẫu khoảng 0,4 ha), cùng lúc đó ở Venice, khách du lịch phải lội qua vùng nước sâu đến mắt cá chân ở ngay Quảng trường St. Mark.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả bản báo cáo là “báo động đỏ cho nhân loại”. Ông khẳng định: “Báo cáo này đã gióng lên hồi chuông báo tử về than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của chúng ta”.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, nhà hoạt động Greta Thunberg đã kêu gọi công chúng và truyền thông nên gây áp lực “lớn” lên các chính phủ để nhanh chóng hành động.
Đường cao tốc 89 tại địa điểm xảy ra Đám cháy Dixie, một vụ cháy rừng gần thị trấn Greenville, California, Hoa Kỳ ngày 7/8/2021. Ảnh: Fred Greaves
Trong ba tháng nữa, hội nghị về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland sẽ cố gắng vận động hành động và kêu gọi hỗ trợ tài chính về biến đổi khí hậu từ các quốc gia trên thế giới.
Dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu khoa học, bản báo cáo của IPCC đã đưa ra bức tranh toàn diện và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào và những gì có thể xảy ra ở phía trước.
Báo cáo cho biết trừ khi hành động ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn để giảm lượng khí thải, nếu không nhiệt độ trung bình toàn cầu có khả năng đạt hoặc vượt ngưỡng nóng lên 1,5oC (2,7oF) trong vòng 20 năm tới.
Các cam kết cắt giảm khí thải được đưa ra cho đến nay vẫn chưa đủ để bắt đầu giảm mức độ khí nhà kính, chủ yếu là CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch tích tụ trong khí quyển.
Các chính phủ và các nhà vận động đã có những phản ứng với báo cáo đáng báo động này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông hy vọng bản báo cáo sẽ là “lời cảnh tỉnh cho thế giới cần phải hành động ngay bây giờ, trước khi chúng ta gặp nhau ở Glasgow”.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã viết trên Twitter ngay ngày 9/8 rằng: “Chúng ta không thể trì hoãn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Khoa học là không thể phủ nhận. Và cái giá của việc không hành động thì đang tiếp tục tăng lên”.
Một con phố bị ngập lụt sau trận mưa lớn ở Erftstadt, Đức, ngày 16/7/2021. Ảnh: Thilo Schmuelgen
Báo cáo này cho biết lượng khí thải “rõ ràng do hoạt động của con người gây ra” đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,1oC so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và có thể sẽ tăng thêm 0,5oC kể cả không có tác động của ô nhiễm trong bầu khí quyển. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi xã hội rời xa nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ vẫn sẽ tăng lên do mất đi các chất ô nhiễm trong không khí đi kèm với chúng và phản xạ một phần sức nóng của mặt trời.
Mức tăng 1,5oC thường được coi là mức cao nhất mà nhân loại có thể đối phó mà không phải chịu những biến động kinh tế và xã hội trên diện rộng. Sự nóng lên 1,1oC được ghi nhận đã đủ để giải thích hiện tượng thời tiết thảm khốc vừa qua.
Năm nay, các đợt nắng nóng đã giết chết hàng trăm người ở Tây Bắc Thái Bình Dương và phá vỡ các kỷ lục trên khắp thế giới. Cháy rừng do nắng nóng và hạn hán đang quét sạch toàn bộ các thị trấn ở miền Tây Hoa Kỳ, giải phóng lượng khí thải CO2 kỷ lục từ các khu rừng ở Siberia và khiến người Hy Lạp phải rời bỏ nhà cửa bằng phà.
Đồng tác giả của IPCC, Bob Kopp, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Rutgers, cho biết: “Chúng ta càng thúc đẩy hệ thống khí hậu, tỷ lệ chúng ta vượt qua ngưỡng giới hạn càng kém hơn”.
Lớp băng trên đất liền của Greenland “hầu như chắc chắn” sẽ tiếp tục tan chảy và nâng cao mực nước biển trong nhiều thế kỷ tới khi các đại dương ấm lên và mở rộng.
Một tảng băng trôi trong vịnh hẹp gần thị trấn Tasiilaq, Greenland, ngày 18/6/2018. Ảnh: Lucas Jackson
Đồng tác giả của IPCC, Tamsin Edwards, nhà khoa học khí hậu tại King’s College London, cho biết: “Đối với một số khía cạnh của biến đổi khí hậu là không thể thay đổi trong hàng trăm đến hàng nghìn năm. Nhưng chúng ta càng hạn chế sự nóng lên, chúng ta càng có thể tránh hoặc làm chậm những thay đổi đó”. Nhưng ngay cả để làm chậm biến đổi khí hậu, báo cáo này cho biết, thế giới đang không còn nhiều thời gian.
Nếu lượng khí thải được cắt giảm trong thập kỷ tới, nhiệt độ trung bình vẫn có thể tăng 1,5oC vào năm 2040 và có thể là 1,6oC vào năm 2060 trước khi ổn định. Và thay vào đó, nếu thế giới tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, thì mức tăng có thể là 2oC vào năm 2060 và 2,7oC vào cuối thế kỷ này.
Khói và hơi nước bốc lên từ Nhà máy điện Belchatow, nhà máy nhiệt điện than lớn nhất châu Âu do Tập đoàn PGE vận hành, gần Belchatow, Ba Lan ngày 28/11/2018. Ảnh: Kacper Pempel
Nó có thể trở nên tồi tệ hơn, nếu sự ấm lên kích hoạt các vòng phản hồi giải phóng nhiều khí thải carbon làm khí hậu nóng lên, chẳng hạn như sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực hoặc sự tàn lụi của các khu rừng toàn cầu. Theo các kịch bản phát thải cao này, Trái đất có thể nở ra ở nhiệt độ cao hơn 4,4oC so với mức trung bình trước công nghiệp vào hai thập kỷ cuối của thế kỷ này.
Hải Phong
Theo Reuters