Luật Biển: Cơ sở pháp lý quan trọng của Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Luật Biển Việt Nam ra đời đã ghi dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của Việt Nam, giúp ngư dân và các cơ quan công quyền Việt Nam thực hiện tốt quyền và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển Việt Nam và quốc tế. Thủy sản Việt Nam xin trích đăng ý kiến của một số lãnh đạo và chuyên gia bàn thêm về sự kiện này.

Đối với quốc gia biển như Việt Nam, việc Luật Biển được thông qua là cần thiết và tất yếu

Ông Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nhu cầu tất yếu phục vụ công cuộc phát triển kinh tế

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.

Với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn, kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ta. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

 

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng – Đại học Luật Hà Nội: Cần lực lượng chấp pháp để đưa Luật Biển vào cuộc sống

Điểm thành công của Luật Biển Việt Nam là đã chi tiết hóa được các quy định của Công ước Luật Biển 1982 thành các điều khoản để có thể áp dụng trên các vùng biển của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Luật Biển Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của quốc tế để trở thành văn bản pháp luật có thể dễ hiểu, dễ áp dụng hơn trên thực tế.

Tuy nhiên, các vấn đề quan trọng nhất của luật này là xác định được các vùng biển và quy chế pháp lý cho từng vùng. Luật quy định rõ tàu thuyền các nước có quyền gì, có được tự do hàng hải hay không. Từ đó áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp tàu nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật.

Luật Biển là tiền đề, hành lang pháp lý quan trọng, nhưng để đưa luật vào cuộc sống Việt Nam cần lực lượng chấp pháp – trong khi ở thời điểm hiện tại, sức mạnh của lực lượng này của chúng ta chưa thể bao quát hết 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong luật. Vì thế, Việt Nam phải chú trọng nâng cao năng lực để bao quát vùng biển của mình.

 

PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông: Phù hợp với nguyên tắc “đất thống trị biển”

Có thể thấy, Luật Biển đã đề cập một cách toàn diện nhất các hoạt động trên biển đặt dưới sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ Việt Nam là một quốc gia ven biển có trách nhiệm trong việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của mình, phù hợp với luật quốc tế và lợi ích quốc gia, cam kết bảo vệ các hoạt động biển hợp pháp của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam.

Luật Biển cũng thể hiện rõ ràng cơ sở pháp lý xác định các vùng biển Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982, phù hợp với nguyên tắc “đất thống trị biển”. Các quy định này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam đàm phán cùng các nước liên quan giải quyết các tranh chấp biển, phân định các vùng biển chồng lấn. Đồng thời, cũng quy định rõ các xử lý vi phạm đối với hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển phù hợp với pháp luật biển quốc tế và Việt Nam.

 

Ông Hồ Phó – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng: Xây dựng Luật Biển là cần thiết và tất yếu

Trong bối cảnh hiện nay và một quốc gia biển như Việt Nam thì việc xây dựng và thông qua Luật Biển là cần thiết và tất yếu. Đặc biệt với vùng biển rộng lớn, hiện Việt Nam có hàng triệu ngư dân và hàng vạn phương tiện khai thác, hoạt động trên biển, không những vậy, Việt Nam còn là cửa ngõ giao lưu thương mại của khu vực Đông Nam Á… Vì vậy, nhất thiết phải có luật pháp để đảm bảo an ninh, trật tự, đảm bảo ổn định cho các hoạt động kinh tế trên vùng biển.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!