“Xin cảm ơn tất cả những người đã và đang đóng góp bảo vệ sự toàn vẹn từng tấc đất, tấc biển Việt Nam”. “Xin được biết ơn các anh hùng của đất nước. Lý Sơn bình yên và thật đẹp”… Đó là những dòng chữ được ghi vào sổ lưu niệm tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Lý Sơn). Người dân đất đảo vẫn thân thương gọi cuốn sổ lưu niệm ấy là: “Lưu bút Hoàng Sa”.
Những dòng chữ như sợi dây nối dài về tình yêu biển, đảo; sự cảm phục và tự hào của người dân đất Việt khi đến với Lý Sơn trước sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân mở mang bờ cõi.
Một ngày trung tuần tháng 4/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Hà từ Hà Nội vào thăm đảo Lý Sơn. Chuyến đi lần này khác với hàng trăm chuyến du lịch bà đã từng đi suốt dặm dài đất nước. Bà Hà đến với hòn đảo tiền tiêu – quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải – đúng ngày các tộc họ trên đảo tổ chức nghi thức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà xúc động ghi vào cuốn sổ lưu niệm.
“Thật đặc biệt. Thật ý nghĩa! Tôi đã hiểu hơn về chủ quyền biển, đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa, về hành trình của ông cha ta từ hàng trăm năm trước”, bà Hà chia sẻ trong lúc dạo một vòng tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nhìn những hiện vật mô phỏng, tái hiện lại hành trình vượt biển của các bậc cha ông thuở trước ra Hoàng Sa, Trường Sa khai khẩn, mở cõi, xác lập chủ quyền, bà Hà không giấu được niềm xúc động.
Bên trong Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có một cuốn sổ đặt trang trọng bên cạnh cửa chính ra vào. “Ngày 16/4/2022. Rất cảm ơn những người lính Hoàng Sa đã quên mình hy sinh cho đất nước. Rất cảm ơn huyện Lý Sơn cùng nhân dân đã xây dựng một bảo tàng giàu ý nghĩa giáo dục các thế hệ! Vô cùng tự hào về biển, đảo Việt Nam, con người Việt Nam, phong cảnh Việt Nam. Lý Sơn đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách”, bà Hà nắn nót viết vào cuốn sổ lưu niệm.
Lần giở từng dòng thông điệp trong cuốn sổ lưu niệm mới thấu cảm hết những gì những người con đất Việt hôm nay nghĩ về cha ông thời vươn khơi cắm mốc chủ quyền, gìn giữ chủ quyền biển, đảo của đất nước. “Tôi là Trần Minh Tuấn, ở TP.Đà Nẵng. Hôm nay đến thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa, tôi rất tự hào về một thời cha ông ta đã đi giữ biển, đảo Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay quyết tâm cầm chắc tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc”. Hay có du khách đã viết: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trân trọng và nhớ ơn các anh hùng bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa”. “Kỷ niệm và ghi nhớ công ơn của những người chiến sĩ trên đảo đã hy sinh. Tôi yêu người dân trên đảo”. “Rất biết ơn những người lính đảo đã gìn giữ quê hương, đất nước”.
“Đoàn gồm 8 người. Tô Xuân Kiên, Nguyễn Văn Lài, Nguyễn Thị Dân, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Bạch Lan Hương, Tô Nguyễn Đức Cương, Nguyễn Thị Phượng. Chúng tôi ghé thăm và cảm ơn các vị cố nhân đã cùng tổ tiên xây dựng và định danh biên cương bờ cõi Tổ quốc”, du khách Tô Xuân Kiên kính cẩn ghi trong cuốn lưu bút.
Mỗi dòng lưu bút là một nỗi niềm riêng, nhưng điểm chung trong những con chữ ấy của hàng trăm người con đất Việt khi đến với Lý Sơn là tình yêu biển, đảo, thể hiện tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ trong hành trình giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc suốt mấy trăm năm qua.
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chân lý này, sự thật này là bất di bất dịch. Ra đây, được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, tư liệu về chủ quyền biển, đảo của đất nước trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tôi càng thấm thía hơn về những gì tổ tiên chúng ta gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hôm nay.
Du khách tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Sau khi tìm hiểu các hiện vật liên quan đến Đội hùng binh Hoàng Sa, về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, chúng tôi sẽ cố gắng hơn để truyền đi thông điệp với quốc tế rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển máu thịt của dân tộc Việt Nam. Nơi này có rất nhiều anh hùng đã nằm lại, đặc biệt là các bậc cha ông trên đảo Lý Sơn. Tôi tìm hiểu và biết được những người anh hùng giữ biển Hoàng Sa, Trường Sa như Phạm Quang Ảnh, Đặng Văn Siểm, Phạm Hữu Nhật. Thật ý nghĩa khi ra đảo Lý Sơn và tự tay chép dòng lưu bút tri ân những người giữ biển”, ông Bùi Thanh Quang, quê tỉnh Quảng Ninh, trải lòng.
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải – nơi đặt cuốn sổ lưu niệm – từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều người khi đặt chân đến Lý Sơn.
Bà Lữ Thị Hứa Mỹ, từ tỉnh Đồng Nai ra tham quan đảo Lý Sơn, ở rất lâu bên trong Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. “Tôi muốn dừng chân tại nơi này lâu hơn một chút. Những chiếc thuyền câu của người lính từ đảo Lý Sơn này ra Hoàng Sa, Trường Sa giữ đảo thật sự rất đặc biệt. Tôi cảm phục với lòng quả cảm của cha ông thời đó”, bà Mỹ xúc động nói.
Ngày qua ngày, lưu bút Hoàng Sa bên trong Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cứ thế dày lên. Tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc được khắc ghi và trao truyền qua các thế hệ người dân Việt Nam.
Trân trọng từng câu, từng chữ
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh bày tỏ, du khách ra đảo Lý Sơn thường ghi vào cuốn sổ lưu niệm này để tri ân công đức của người lính Hoàng Sa năm xưa đã quên mình vì từng mét nước, tấc biển quê hương. Nhiều dòng chữ vô cùng xúc động, mang tính giáo dục và thể hiện tình yêu biển, đảo. Rất nhiều du khách ghi trong cuốn sổ rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Có người không ngớt lời ngợi khen cảnh đẹp và con người Lý Sơn. Người dân đất đảo trân trọng từng câu, từng chữ của những vị khách đã chọn đến với Lý Sơn.
Bài, ảnh: Võ Minh Huy
Nguồn: Báo Quảng Ngãi